Chuyện về những 'người bạn chiến mã'

Chúng tôi đến đồi Bá Vân quen thuộc - 'đại bản doanh' của Đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh ở xã Bình Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên khi cán bộ huấn luyện đang cùng những chú ngựa thân yêu luyện tập diễu binh chuẩn bị phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ (15/4/1974 - 15/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Mưa phùn lất phất, cộng với cơn mưa lớn đêm hôm trước khiến nền cát ẩm ướt, có chỗ tạo nên vũng nước nhỏ, song CBCS vẫn luyện tập nghiêm túc để thuần thục các động tác...

Song hành cùng ngựa từ sáng sớm đến đêm

Để phục vụ hai lễ kỷ niệm lớn, Đoàn CSCĐ Kỵ binh tham gia khối diễu binh gồm 63 kỵ binh, trong đó 54 kỵ binh khối chính và 9 kỵ binh dự bị. Giữa thao trường rộng lớn, cả khối kỵ binh chia thành 3 nhóm nhỏ để tập các động tác chạy nước kiệu qua khán đài. Sau hơn 4 năm thành lập, số ngựa của đơn vị nay đã to khỏe, săn chắc và đều đẹp hơn, nhiều chú ngựa lông, đuôi mượt mà, hình thể dũng mãnh.

Chiến sĩ Đặng Xuân Hoạt, Khối trưởng Khối Kỵ binh cùng đồng đội luyện tập trên thao trường.

Sau khẩu lệnh "Chạy thường, chạy!"; "Nhìn bên phải, chào! Một hai - một hai..." vang lên, hình ảnh ngựa chạy nước kiệu, kết hợp âm thanh vó ngựa nhịp bước đều trên cát và sự trùng điệp của hàng quân tạo nên một cảnh tượng khỏe khoắn, đẹp mắt. Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng, Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh cho biết, để có được kết quả ngày hôm nay, các anh phải huấn luyện nhiều bước từ đơn giản đến phức tạp: đóng trang bị cho ngựa (ốp chân, yếm ngực, tấm lót lưng, áo phản quang; tập động tác lên, xuống ngựa; động tác đứng; động tác đi từng hàng một; ghép hàng; ghép nửa khối; ghép toàn khối...

Hiện tại, số ngựa của đơn vị khoảng 150 con, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu huấn luyện và nhân giống, phát triển đàn. Do đây là lĩnh vực mới nên Ban Chỉ huy Đoàn CSCĐ Kỵ binh thường xuyên đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thuần dưỡng, chăn nuôi và huấn luyện ngựa, tham khảo hướng dẫn của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Ngày nào cán bộ huấn luyện cũng báo thức từ 5h15 sáng, thực hiện các chế độ vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi dắt ngựa ra thao trường, bắt đầu tập luyện từ 6h30. Đến 11h30 nghỉ ăn trưa và tiếp tục tập từ 13h30 đến 16h30. Tiếp đó là cho ngựa ăn, tắm cho ngựa... Ngựa sẽ ăn 4 bữa: 5h30, trưa, chiều và 21h đêm, nên cán bộ huấn luyện cũng sẽ song hành cùng ngựa, sau 21h mới kết thúc các chế độ trong ngày và nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe cho ngày hôm sau.

Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh kiểm tra, đôn đốc CBCS trong quá trình huấn luyện.

Trực tiếp chỉ đạo công tác huấn luyện, đôn đốc CBCS tại thao trường, Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh cho biết, thời gian biểu thường xuyên là thế, nhưng cả tháng nay nhiều hôm các anh phải báo thức lúc 2h sáng để chuẩn bị, 3h sáng hành quân xuống Thủ đô Hà Nội để hợp luyện, tổng duyệt cùng các khối phục vụ các lễ kỷ niệm. "Các khối chỉ cần dậy trước 2 tiếng, nhưng Kỵ binh phải dậy trước 4 tiếng để có thời gian lắp trang bị, cho lên ôtô, sẵn sàng các phương án di chuyển trên đường và quỹ thời gian trừ hao đề phòng những sự cố bất ngờ", anh lý giải. Theo Trung tá Dương Phương Nam, Phó Đoàn trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh phụ trách công tác chăn nuôi, thú y, hằng ngày đàn ngựa được thực hiện đúng quy trình về quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng và điều trị bệnh; chế độ ăn phù hợp với các loại cỏ tươi, cỏ khô, khoáng đa lượng, khoáng vi lượng; thường xuyên được thăm khám, tiêm phòng và điều trị bệnh; định kỳ phun khử khuẩn, sát trùng hệ thống chuồng trại để hạn chế mầm mống gây bệnh cho ngựa. "Đối với các lễ kỷ niệm sắp tới, ngựa sẽ phải di chuyển, luyện tập nhiều, nên chúng tôi đã tăng cường thức ăn, thuốc bổ để bồi dưỡng cho ngựa, tăng cường công tác tắm chải, vệ sinh, qua đó giúp đàn ngựa đủ sức khỏe tốt nhất đáp ứng yêu cầu công tác", Phó Đoàn trưởng cho hay.

Tình cảm gắn bó đặc biệt

Ngoài luyện tập nghi lễ diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn CSCĐ Kỵ binh cũng mạnh dạn đưa vào huấn luyện những nội dung khó như: điều khiển ngựa vượt chướng ngại vật, vượt vòng lửa, thồ hàng, leo đồi cao; luyện tập các bài tập nghiệp vụ của Đội hình tuần tra kiểm soát, giải tán đám đông; điều khiển ngựa sử dụng công cụ hỗ trợ, bắn súng; truy đuổi, đánh bắt đối tượng, nghiêng người thu hồi tang vật... để tham gia phục vụ các sự kiện chính trị khác và yêu cầu bảo đảm ANTT khi được huy động.

Chiến sĩ Đỗ Quang Thanh cho chú ngựa thân thiết ăn bữa chiều sau giờ huấn luyện.

Vừa nghe khẩu lệnh kết thúc tập, giải lao, tôi thấy chiến sĩ Đặng Xuân Hoạt, Khối trưởng Khối CSCĐ Kỵ binh lập tức xuống ngựa, vuốt ve chiến mã của mình và trò chuyện tâm tình như những người bạn thân thiết. Khi tôi ngỏ lời thử cưỡi ngựa, anh Hoạt đồng ý ngay và hướng dẫn tôi cách lên ngựa. Red - tên chú ngựa đầu đàn lông màu nâu đỏ với thân hình vạm vỡ, rắn chắc phấn khởi hợp tác. Anh Hoạt chạy ra xa tầm chục mét rồi vẫy tay cất tiếng gọi "Red, Red", chú ngựa liền bước đến gần chủ, phản xạ hết sức tự nhiên, linh hoạt; cứ thế, theo hướng anh Hoạt di chuyển, đưa tôi đi một vòng giữa thao trường...

Anh Hoạt quê Hà Giang, là chiến sĩ nghĩa vụ tại Đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1, kết thúc 3 năm đi lính (cuối tháng 11/2019), Đoàn CSCĐ Kỵ binh tuyển quân anh liền viết đơn đăng ký luôn. "Bản thân mình trước ở quê từng cưỡi ngựa, khá là thích. Khi nghe về lực lượng Kỵ binh thì rất tò mò, thích được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ. Nên mình viết đơn tương đối dài, gửi gắm nhiều tâm huyết về niềm đam mê với ngựa", anh Hoạt dí dỏm nói. Nhớ lại những ngày đầu kham khổ về cơ sở vật chất, phải thuần hóa đàn ngựa hoang rất vất vả, nhưng sau 4 năm, anh Hoạt đã khẳng định quyết định của mình là hoàn toàn đúng đắn. Đến nay, anh Hoạt và chú ngựa tên Red của mình như hai người bạn thân, rất hiểu nhau. "Bình thường người ngồi lên yên, muốn cho ngựa đi phải thả lỏng cơ và thúc vào hông ngựa, còn mình chỉ cần hơi nhún lên một chút là ngựa biết chuẩn bị đi và sẵn sàng rồi. Hoặc Red có thể cất vó nhảy 2 chân trước lên, thì mình chỉ cần kéo nhẹ dây cương là nó biết đã vào thế", anh kể.

CBCS Đoàn CSCĐ Kỵ binh luyện tập khối diễu binh, diễu hành phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nghe thì tưởng chừng đơn giản, song huấn luyện ngựa là một môn rất khó, mà để có được sự phục tùng mệnh lệnh của chủ nhân, giữa người và ngựa phải có mối tình cảm gắn bó đặc biệt. Ở đơn vị, anh Hoạt là một trong những chiến sĩ chịu khó tắm chải, chăm sóc cho ngựa thường xuyên, thường đứng ở chuồng cho ngựa ăn hết bữa mới đi về. "Cán bộ nào thường xuyên quan tâm, yêu ngựa, giao lưu trò chuyện với ngựa thì ngựa rất nghe lời, mối quan hệ hai bên rất thân thiện. Khi chủ đến cạnh bên, ngựa có cảm giác an toàn, yên tâm, hân hoan khi được gặp chủ", Thượng tá Lê Sỹ Hà bổ sung thêm.

Cạnh đó, chiến sĩ Đỗ Quang Thanh và chú bạch mã của mình được giao đảm nhiệm Tổ Công an kỳ. Ngựa của anh Thanh cũng sắc vóc khỏe mạnh, cao ráo, lông đuôi óng mượt. "Ngựa đi Tổ Công an kỳ sẽ khó hơn một chút vì phải giữ được ngựa ổn định, căn được hàng, làm chuẩn để kỵ binh đi sau thẳng hàng hơn. Đồng thời, chiều cao và bước chân của ngựa trong hàng đều nhau thì khi diễu binh sẽ đều và đẹp hơn". Vất vả khổ luyện 3 tháng trời, chiến sĩ này cho biết, mỗi CBCS trong hàng ngũ của Đoàn CSCĐ Kỵ binh cảm thấy rất vinh dự, tự hào được cống hiến, luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, điều khiển ngựa bảo đảm đội hình đồng đều, khỏe khoắn để được lên báo chí, truyền hình nhiều hơn, lan tỏa hình ảnh đẹp về lực lượng CSCĐ Kỵ binh đến với công chúng, với người dân...

Quỳnh Vinh - Chiến Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/chuyen-ve-nhung-nguoi-ban-chien-ma-i729689/