Chuyện về nữ chiến sĩ mũ nồi xanh người Việt duy nhất ở Trung Phi

Gặp Trung tá Nguyễn Thị Liên, một sĩ quan Việt Nam thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong một lần về phép tại Hà Nội, được nghe chị chia sẻ về nhiệm vụ bảo vệ hòa bình, sứ mệnh cao cả tại Cộng hòa Trung Phi mới thấy được sự mạnh mẽ, kiên cường toát lên từ ánh mắt, nụ cười của người phụ nữ nhỏ bé này.

Từ sĩ quan trở thành nông dân ở lục địa đen

Trong chuyến về phép dịp cuối năm này, Trung tá Nguyễn Thị Liên không chỉ lo việc gia đình, mà còn mua sắm, chuẩn bị các nhu yếu phẩm, hạt giống rau mang sang Trung Phi dịp Tết này.

Trung tá Nguyễn Thị Liên hướng dẫn người dân Trung Phi cách trồng rau xanh.

Khi nhận nhiệm vụ sang Cộng hòa Trung Phi để gìn giữ hòa bình, chị Liên xác định việc gìn giữ hòa bình ở một vùng đất đang có xung đột, bất ổn chính trị chính là mang đến cho họ hòa bình, là cơm no, áo ấm và nụ cười. Từ đó chị tự tìm ra hướng tiếp cận của riêng mình để thực hiện nhiệm vụ đó.

Nhận nhiệm vụ từ tháng 6-2019, Trung tá Nguyễn Thị Liên lên kế hoạch sẽ tiếp cận người dân bản địa thông qua việc hướng dẫn họ may vá, thêu thùa, cắt tóc và dạy học cho trẻ em.

Tuy nhiên, có những kế hoạch chị vạch sẵn bị "phá sản" ngay từ phút đầu. "Trước khi đi, tôi đã học một khóa cắt tóc nhưng kế hoạch đó của tôi bị thất bại hoàn toàn, vì sang đến nơi thấy trẻ em ở đó thường để đầu trọc, còn đứa để tóc dài thì tóc xoăn đến mức không duỗi nổi, mà chúng thì lại chọn kiểu tóc tết thẳng đứng, người lớn thì họ cũng chọn mốt tóc bện thừng. Mà cách tết tóc kiểu bện thừng thì tôi chưa học nên đành thôi", chị Liên vui vẻ kể.

Việc dạy học cho trẻ em cũng vậy. Chị Liên đi làm từ thứ hai đến thứ bảy, tối về thì không có điện. Nếu chỉ dạy mỗi ngày chủ nhật thì không hiệu quả. Quay sang hướng dẫn may vá thì cũng không ít khó khăn, vì phụ nữ ở đây họ không có truyền thống này, cũng không có nguyên liệu nên không thực hiện được.

Lúc này, tình hình ở thủ đô Bangui khá căng thẳng, ngay trong tuần đầu mới sang, chị đã chứng kiến một vụ xung đột làm 3 người dân địa phương thiệt mạng. Các thành viên của Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi được khuyến cáo hạn chế ra đường nếu như không có lực lượng bảo vệ đi kèm.

Để thực hiện mục tiêu của mình, chị Liên vẫn tìm cách ra đường làm quen với người bản địa. Chị chọn trẻ em là đối tượng tiếp cận đầu tiên, vì theo chị đây là cách tiếp cận dễ dàng và thân thiện. Và chị đã thành công.

Hướng dẫn người dân làm bánh sắn.

Khi sang nhận nhiệm vụ, chị tiếp quản lại một mảnh vườn nhỏ có những cây mùng tơi đã già. Việc đầu tiên là phải dọn dẹp, gây dựng lại mảnh vườn. Nhưng khi những cây mùng tơi già được nhổ lên và người bảo vệ vứt ra trước cổng, thật bất ngờ khi rất đông người dân quanh đó chạy vào nhặt từng lá mùng tơi. Nhận ra người dân ở đây rất thích mùng tơi và thiếu thốn rau xanh, chị nảy ra ý định giúp người dân mỗi nhà có một mảnh vườn.

Nhưng như chị Liên chia sẻ: "Không phải cứ nói giúp là giúp, mà phải có cách để các bạn nhanh chóng được nhìn thấy thành quả. Việc đầu tiên mình phải làm đẹp khu vườn của mình trước, sau đó mới giúp bạn xới đất làm vườn. Mình phải "hy sinh" cả đám rau muống ở mảnh vườn của mình mang sang trồng vào vườn của bạn. Giữa các cây rau đã lên xanh, mình dặm thêm hạt giống để đảm bảo vườn rau của bạn luôn có sự sinh sôi, nảy nở".

Với cách làm như vậy, trong tháng đầu tiên sang Trung Phi, chị Liên giúp cho 5 nhà dân trồng được vườn rau muống, bầu, đỗ. Người dân đã biết cách trồng rau, chị Liên bắt tay vào bước thứ hai của "kế hoạch" đó là giúp bạn nâng cấp chất lượng bữa ăn.

Lương thực chủ yếu của người dân Trung Phi là sắn và chị đã quá quen với những loại bánh được chế biến từ sắn. Vậy là chị và các đồng đội quyết định thay đổi. Với số đậu mang theo, chị Liên tìm cách học hỏi, từ gieo trồng đến chăm sóc và thu hoạch. Từ một bãi cỏ, chị Liên phải lật hết cỏ lên để làm đất. Trong khi cỏ lên còn nhanh hơn đậu. Vì thế ở vườn đậu đầu tiên, chị Liên khá vất vả, phải thường xuyên nhặt cỏ.

Không phụ công của chị, hạt đậu gieo xuống đất, rồi nảy mầm, lớn lên từng ngày, mỗi tuần mỗi khác. Mùa đậu đầu tiên chị Liên thành công mỹ mãn, chỉ 2 tháng sau khi gieo, chị đã được thu hoạch, cả đậu xanh lẫn đậu đen.

Rồi chị gom lại bằng một "quy trình" để các bạn có thể làm ra những chiếc bánh sắn có nhân đỗ ngon miệng. Từ cách thức trồng đỗ, cách dùng chai để nghiền đỗ, ngâm nước nóng để tách vỏ, đồ hạt đỗ cho chín, sau đó nặn làm nhân bánh. Còn bột sắn phải được hòa vào nước nóng thành hỗn hợp bột dẻo, sau đó đem nặn, rồi cho nhân đỗ vào trong. Cuối cùng là công đoạn hấp hoặc rán.

Không chỉ làm bánh, chị Liên còn chỉ cho các bạn nấu chè từ đỗ xanh, đỗ đen để giải khát. Trong lúc hướng dẫn, chị luôn chỉ cho bạn cách để trở thành "ông chủ" trên chính mảnh vườn của mình.

Chị Liên chỉ cho các bạn thấy rằng, bạn có rất nhiều đất, nếu chăm chỉ, bạn có rất nhiều đỗ, lượng đỗ ấy, bạn có thể giới thiệu, sau đó bán lại cho người khác trồng với điều kiện phải mời người ta đi thăm quan vườn trồng, giúp họ trồng được những mảnh vườn như thế.

Nhận nhiệm vụ vì một mục tiêu cao cả

Trung tá Nguyễn Thị Liên kể, trong nhiệm kỳ này, đội của chị gồm 6 người nhận nhiệm vụ sang Trung Phi nhưng có duy nhất chị là phụ nữ. Nhiều người ngạc nhiên với quyết định của chị vì vốn là sĩ quan, giảng viên lâu năm của Trường Sĩ quan đặc công (Xuân Mai - Hà Nội), ở độ tuổi gần 50, đặc biệt với phụ nữ, người ta sẽ lựa chọn sự an toàn, ổn định. Nhưng chị lại quyết định nhận một nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn ở vùng đất Trung Phi nóng bỏng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trung tá Nguyễn Thị Liên cùng trẻ em Trung Phi.

Trong cuộc trò chuyện, Trung tá Nguyễn Thị Liên cũng tiết lộ lý do chị quyết định thay đổi môi trường làm việc, thay đổi cả công việc mà chị đã yêu và gắn bó mấy chục năm trời.

Là một quân nhân lại vừa là một người vợ, một người mẹ, quyết định nào cũng sẽ là khó khăn. Sau rất nhiều đêm mất ngủ, chị đã có lựa chọn ra đi làm nhiệm vụ cao cả ở nước bạn với một suy nghĩ mình phải làm một việc gì đó làm động lực để cô con gái cũng đang tiếp bước mẹ theo đường binh nghiệp, có thể toàn tâm gắn bó với lựa chọn của mình.

"Tôi nói với cháu, một khi chọn con đường này, con phải có trách nhiệm với lựa chọn đó. Xác định làm việc trong quân đội không hề nhẹ nhàng, êm ả. Từ lúc đi học đến khi đi làm, những yêu cầu, quy định đối với người lính được đặt lên rất cao, thậm chí hà khắc. Nên nếu vượt qua được con sẽ thành công. Rất may cháu đã cho tôi thấy được quyết tâm của mình: Người ta làm được, con cũng làm được", chị Liên chia sẻ.

Cùng với sự tin tưởng của con gái lớn, một người chồng luôn tôn trọng sự lựa chọn của vợ, và một cậu con trai hết sức tình cảm và tinh tế là động lực cho chị Liên, một người lính mũ nồi xanh, vững tâm hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở một vùng đất xa xôi.

Tuyết Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/956368/chuyen-ve-nu-chien-si-mu-noi-xanh-nguoi-viet-duy-nhat-o-trung-phi