'Chuyển việc mùa dịch, tôi kiếm thêm bằng cả tháng lương'

Trong thời điểm khó khăn, nhiều người trẻ xem dịch bệnh là cơ hội để chuyển hướng công việc.

Tốt nghiệp chuyên ngành Ẩm thực tại Thụy Sĩ, Trần Nhật Văn (24 tuổi) trở thành đầu bếp tại một nhà hàng ở Bỉ. Thế nhưng ít tháng trước, khi về quê ăn Tết cùng gia đình, do dịch bùng phát, anh mắc kẹt ở Việt Nam, không thể sang làm lại.

Thời gian ở nhà nghỉ dịch, Nhật Văn nảy ra ý tưởng làm sữa chua hoa quả để bán. “Trong một lần tình cờ đi Hà Nội chơi vào năm ngoái, mình thấy món này được bán ở phố cổ, người ăn rất đông, mình ăn thử thấy ngon và không ngấy nên quyết định làm để bán”, 9X kể với Zing.

Mọi nguyên liệu, quá trình đều do Nhật Văn tự tay lựa chọn, thực hiện. Khi mới làm, khó khăn lớn nhất của anh là phải làm sao cho hương vị giống với món gốc. Văn cho biết do mới bắt đầu nên chưa có nhiều khách đặt hàng.

Sau một thời gian, số lượng người đặt hàng của anh tăng lên. Có những ngày làm không đủ bán vì số lượng mọi người đặt trước khá nhiều.

Nhật Văn chia sẻ tuy lợi nhuận tuy chưa cao nhưng cũng mang lại cho anh niềm vui nho nhỏ. Ảnh: NVCC.

Nhật Văn chia sẻ tuy lợi nhuận tuy chưa cao nhưng cũng mang lại cho anh niềm vui nho nhỏ. Ảnh: NVCC.

Từ chỗ chỉ bán cho vui, anh dần dần muốn phát triển lên thành cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp hơn. Nhật Văn đầu tư mua cốc giấy đẹp, có in logo tên thương hiệu được đặt theo tên của mẹ. Sắp tới anh dự định bán thêm vài món ăn vặt kèm sữa chua như khô gà, cơm cháy theo dạng combo với giá rẻ cho học sinh, sinh viên.

“Nhờ mùa dịch mà mình đến với việc kinh doanh này, cũng coi như là cái duyên. Vì mình học ngành kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, khách sạn nên đây cũng như là trải nghiệm giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm hơn cho sau này, nếu thành công thì đương nhiên mình sẽ gắn bó với nó rồi tại vì đó là đam mê”, Nhật Văn nói.

Hơn 2 tháng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, không chỉ riêng Nhật Văn mà những người đang làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau bị ảnh hưởng. Có người mất việc vì công ty cắt giảm nhân sự, người chủ động xin nghỉ vì chính sách lương thưởng bị chèn ép vô lý.

Khó khăn khi mất nguồn thu nhập chính song trong "cái khó ló cái khôn", không ít người bất ngờ tìm được nghề mới. Đa số chọn bán hàng online, số khác mở lớp dạy trực tuyến hoặc chuyển sang một công việc mới hoàn toàn. Có người xem đó là công việc tạm thời nhưng cũng có người tự tin sẽ gắn bó với hướng đi mới.

Tự mày mò, chuyển hướng công việc

Tương tự với Nhật Văn, Nguyễn Thanh (40 tuổi) - giáo viên tiểu học tại Nghệ An - cũng phải tìm một công việc tạm thời để mưu sinh trong suốt thời gian dài vì trường học đóng cửa để chống dịch Covid-19.

“Đây là lần đầu tiên suốt gần 20 năm đi dạy, chúng tôi có đợt nghỉ lâu đến thế. Nghỉ lâu, không chỉ học trò mà giáo viên như tôi cũng buồn, ở nhà mãi đâm ra chán, chẳng thể đi đâu. May mắn, chúng tôi vẫn được nhận lương nên kinh tế không bị ảnh hưởng”, chị Thanh chia sẻ.

Thời gian “rảnh tay chân”, chị Thanh tìm được cho mình nghề tay trái, chính là bán hàng online. Chị tự mày mò, tìm cách bán hàng qua trang cá nhân, đối tượng hướng đến là người quen, dân địa phương.

“Tôi rất cẩn thận để không dính những ‘cú lừa’ kinh điển khi buôn bán online. Đầu tiên chọn mặt hàng sẽ bán, có nguồn cung, lấy mẫu rồi đăng bài giới thiệu. Khi có khách đặt, tôi gom đơn rồi đi lấy hàng và gửi ship. Mình không ôm hàng, cũng không bỏ vốn trước để nhập hàng quá nhiều”.

Những mặt hàng chị bán chủ yếu phục vụ sinh hoạt như khăn giấy, máy rửa mặt, quạt mini, cây giống… Chị bán cả những loại rau củ trồng được trong vườn nhà. Ảnh: NVCC.

Những mặt hàng chị bán chủ yếu phục vụ sinh hoạt như khăn giấy, máy rửa mặt, quạt mini, cây giống… Chị bán cả những loại rau củ trồng được trong vườn nhà. Ảnh: NVCC.

Sau một thời gian, nhờ vào năng khiếu làm đồ ăn vặt đã được “người thân, bạn bè kiểm chứng”, chị Thanh còn tự tin làm sữa chua, bánh bột lọc và chè để bán thêm.

“Thời gian đó, hai đứa con tôi đang học cấp 2 và cấp 3 cũng đã được nghỉ ở nhà nên phụ giúp mẹ rất nhiều. Mỗi người một công đoạn, mỗi ngày tôi làm được cả một tủ đầy sữa chua nếp cẩm, hàng trăm chiếc bánh bột lọc”, cô giáo kể lại.

Vì bạn bè, người quen đã biết đến tay nghề nấu nướng, lại đang bắt đầu vào mùa nóng nên mỗi ngày chị Thanh bán được khá nhiều đơn đồ ăn vặt.

Chị kể, đợt nghỉ dịch, tháng chị bán được nhiều nhất, lợi nhuận gần bằng tiền lương giáo viên. Có ngày bán được vài trăm nghìn, cũng có ngày ít nhưng đủ tiền tiêu vặt cho gia đình.

Sau khi đi dạy trở lại, chị Thanh vẫn tiếp tục bán hàng vì nhận thấy đây là công việc mang lại thêm thu nhập. Buổi sáng đi dạy, buổi chiều chị tranh thủ mang hàng đi ship, những người quen ở gần đặt, chị tự giao tận tay. Buổi tối chị soạn bài, chuẩn bị cho buổi dạy tiếp theo. Cuối tuần chị có nhiều thời gian hơn để đăng bài, chuẩn bị hàng.

Chị Thanh nói công việc không quá vất vả, không chịu rủi ro cao hay ảnh hưởng đến công việc chính hiện tại.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được giữ lại công việc đang làm sau dịch. Nhiều sinh viên, người mới ra trường phải chật vật tìm một việc làm mới sau khi bị mất việc vì nhiều lý do “trên trời”.

Quốc Vương (21 tuổi) - nhân viên phục vụ ở một quán cà phê ở quận 1 (TP.HCM) - phải “dứt áo ra đi” vì chính sách chèn ép chỉ tiêu, cắt giảm lương “quá đáng” của quản lý với lý do doanh thu giảm.

Nhờ vào chút kiến thức về viết lách, Vương chuyển hướng công việc sang làm content writer (tạm dịch: người viết nội dung). “Công việc này giúp mình tự chủ thời gian, nguồn thu ổn định, tuy không cao nhưng đủ sống qua mùa dịch. Hiện mình thấy công việc này tốt hơn so với lúc trước”, 9X tâm sự.

Theo nam sinh, tuy kinh tế bị ảnh hưởng và cuộc sống có chút khó khăn nhưng đây cũng là dịp tốt để mọi người nghỉ ngơi, khám phá thêm những cái mới. Điều quan trọng khi chuyển việc là phải tìm hiểu kỹ để không bị đối tượng xấu lợi dụng, “tiền mất tật mang”.

Tranh thủ trải nghiệm điều mới

Ngoài mang đến một nguồn thu nhập ổn định để chống chọi với dịch bệnh, đối với nhiều người, thời gian nghỉ dịch còn là cơ hội hiếm hoi để thử những điều muốn làm đã lâu nhưng mãi tạm gác vì bận rộn.

Suốt 2 tháng nay, Lê Nguyễn Hải My (sinh năm 1999, du học sinh Mỹ) đều sống mỗi ngày với niềm đam mê của mình là dạy học. Trước đây, Hải My làm công việc trợ lý văn phòng ở trường, khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, Hải My bay về Việt Nam để lánh nạn.

Trong thời gian rảnh rỗi, My bắt đầu triển khai những ý tưởng mà mình chưa có thời gian làm trước đó. Nhờ vào thế mạnh ngôn ngữ, cô mở lớp dạy tiếng Anh qua hình thức trực tuyến cho bạn bè, người quen.

 Nhờ khả năng tiếp cận công nghệ nhanh nhạy, nhiều bạn trẻ chuyển hướng sang nền tảng trực tuyến để kiếm công việc làm thêm.

Nhờ khả năng tiếp cận công nghệ nhanh nhạy, nhiều bạn trẻ chuyển hướng sang nền tảng trực tuyến để kiếm công việc làm thêm.

Chia sẻ với Zing, 9X cho hay đây là điều mà cô đã đam mê và ấp ủ từ lâu nhưng chưa thực hiện được. “Công việc này mang lại thu nhập cũng tương đương công việc cũ. Mặc dù phải thú nhận là công việc nhiều hơn trước tuy mức thu nhập ngang bằng. Nhưng nếu không có đợt dịch này thì chắc mình vẫn còn mãi trì hoãn đam mê dạy học”.

Hải My cho biết thêm sau khi quay lại Mỹ, cô vẫn sẽ duy trì những lớp đang dạy để kiếm thêm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân và tạo nền tảng cho tương lai sau này.

Giống như Hải My, Nguyễn Minh Huy (23 tuổi, giáo viên Văn tại trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5) cũng nhanh chóng tìm một công việc mới để "giết thời gian" trong mùa dịch.

Trong thời gian không đứng lớp, Huy chuyển sang hình thức dạy online và làm vlogger tập sự.

Ban đầu, anh chỉ tính đăng những video bài giảng lên YouTube để học sinh theo kịp bài vở nhưng nhận thấy nhiều kênh khác cũng làm tương tự nên Huy quyết định chuyển hướng sang làm vlog để kênh đa dạng hơn.

"Cách dạy này giúp mình gần gũi với học sinh hơn, lâu lâu tụi nhỏ cứ gọi mình là 'Anh trời sập' - tên kênh vlog của mình làm mình cũng thấy vui vui", Minh Huy nói với Zing.

"Cách dạy này giúp mình gần gũi với học sinh hơn, lâu lâu tụi nhỏ cứ gọi mình là 'Anh trời sập' - tên kênh vlog của mình làm mình cũng thấy vui vui", Minh Huy nói với Zing.

Kênh vlog của chàng giáo viên 9X xoay quanh 3 nội dung chính: Mẹo giúp học sinh học Văn dễ dàng hơn, cách hiểu đúng và sử dụng tiếng Việt tốt hơn, cuộc sống thường ngày của một thầy giáo.

Huy chia sẻ công việc này giúp anh giải tỏa áp lực và học thêm những kỹ năng hữu ích. Vì thế, 9X dự tính vẫn duy trì việc làm vlog song song với công việc dạy học.

“Trước khi trở thành vlogger, mình có gặp vài thất bại nên thu mình lại và ít đăng gì lên mạng nhưng từ khi làm vlog đến nay, mình thấy bản thân thay đổi tích cực hơn, mở lòng hơn và tìm ra những cách hay giúp học sinh hiểu bài bên cạnh cách giảng dạy truyền thống. Quan trọng là mình được làm điều mà bản thân thích”.

Đào Phương - Phương Thảo

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-viec-mua-dich-toi-kiem-them-bang-ca-thang-luong-post1088305.html