Chuyện xưa đã cũ

Trong một chuyến công tác đến Sơn La tìm hướng cho trưng bày mới về sự nghiệp giáo dục của bảo tàng tỉnh, chúng tôi đã gặp được 'người cũ'- nhà giáo Vũ Đình Nhuần. Ở tuổi 90 nhưng thật may, ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, không quên (hay là chưa thể quên) những câu chuyện xưa về 'Đoàn quân 59' - những người mang ánh sáng văn hóa từ miền xuôi lên miền núi theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Chụp ảnh với nhà giáo Vũ Đình Nhuần.

Chụp ảnh với nhà giáo Vũ Đình Nhuần.

Đã xung phong là đến nơi đến chốn

PV: Xin phép được gọi bác là “thầy”. Thưa thầy, vì sao thầy lại biết có chuyện “Đoàn quân 59” mà xung phong ạ? Hay là thầy nhận được “lệnh” và cứ thế lên đường?

Nhà giáo Vũ Đình Nhuần: Tôi xuất thân trong gia đình nông dân gia giáo ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Mới 5 tuổi đã học chữ Hán, 9 tuổi thì bắt đầu vào học quốc ngữ ở trường Tây, mà cha tôi phải khai rút đi 3 tuổi thì mới được nhận. 19 tuổi thì xong trung học đệ nhất cấp, đó là vào hè năm 1949. Tôi chưa kịp đi bộ đội, chưa kịp dự định đi đâu thì có 1 cán bộ Ty Giáo dục Hải Dương, đến tận nhà hỏi là: “Nghe rằng anh vừa mới học tốt nghiệp trung học xong?”. Rồi họ đưa cho tờ khai và nói “nếu anh đồng ý đi làm giáo viên thì anh khai vào cái tờ này, 1 tuần nữa chúng tôi về đón, mà nếu anh quyết chí đi bộ đội thì chúng tôi sẽ đến chào anh”. Ngẫm đi ngẫm lại, bấy giờ nếu mà học nữa thì một là phải vào thành theo địch, hai là vào Thanh Hóa thì mới có chỗ học, cho nên là tôi quyết chí đi làm thầy giáo. Thế là đi học sư phạm, đúng 1 tháng, rồi về huyện dạy cấp 1, giờ là Tiểu học.

Hè năm 1958, chúng tôi học nghị quyết ở thị xã Hải Dương, đến phần cuối có lệnh của Bộ Giáo dục đưa xuống với lời kêu gọi của Bác Hồ là giáo viên miền xuôi lên phát triển văn hóa giáo dục ở miền núi. Lúc ý tỉnh tôi đi 70 người, huyện tôi thì có 5 người. Người ta không cử tôi đi đâu vì tôi khi ấy có gia đình, có con rồi. Thế nhưng huyện tôi có 2 anh bỏ trốn, tôi mới vận động anh Vũ Phương Truyền, con cháu tiến sĩ Vũ Phương Để, là: “Bây giờ tao với mày đi chứ không có huyện ta phân có 5 người mà 2 thằng trốn thì dơ quá”. Các ông ở Ty Giáo dục Hải Dương bảo chúng tôi là đi 3 năm, nhưng tôi nói luôn “không có cái lý nào đi 3 năm, đã đi phát triển văn hóa giáo dục miền núi Tây Bắc thì không bao giờ đi 3 năm. Các anh nói dối, Bác Hồ không bao giờ bảo chúng ta đi 3 năm”.

Vậy là tôi xung phong đi Tây Bắc, đi phấn khởi, mà là xung phong đi lâu dài nhé ,“chí nam nhi để 4 phương” mà.

Trước khi đi, thầy còn có gì băn khoăn không?

- Trước khi đi, chúng tôi học ở Trường Bổ túc công nông Trung ương ở Hà Nội một tháng. Ngày cuối cùng, hình như 30/9/1959, chúng tôi được Bác Hồ có đến thăm động viên lớp học.

Lời Bác thì tôi không nhớ được nhiều nữa nhưng Bác hỏi chúng tôi 2 câu đại ý: “Các cô các chú có ăn được măng không?”, “Thưa Bác có ạ” - anh nào cũng hăng hái thế (lên đấy thì ăn ứ đến cổ); “Các cô các chú có ăn được cơm nếp không?”, “Thưa Bác có ạ”. Nhưng đến lúc đến bản mới thấy chúng tôi nói hão cả. Ăn nếp nhiều quá đến nỗi khi về Tết chỉ thèm một bữa cơm tẻ.

Rồi Bác Hồ còn bảo thế này: “Các cô các chú xung phong như thế là tốt nhưng nếu các cô các chú nào mà hoàn cảnh gia đình khó khăn quá muốn ở lại Bác cũng cho”. Rồi Bác dặn là: “Các cô các chú đã xung phong thì xung phong cho đến nơi đến chốn”. Ấy vậy mà, chiều hôm sau đã có 2 cậu ở lại không đi nữa.

Ngày 1/10/1959, đúng 1h chúng tôi lên xe ở sân Trường Bổ túc công nông Trung ương. 30 xe, gần 1.000 người. Đi 3 ngày thì đến Khu học xá Mường La.

Các thầy cô có cảm thấy ngỡ ngàng về những khó khăn gặp phải?

- Không ngỡ ngàng. Khi học ở Hà Nội, chúng tôi cũng đã được cho biết trước là sẽ khó khăn rồi. Tôi còn hình dung là nó khó khăn hơn, đèo, đồi núi cheo leo hơn, rừng nó rậm hơn, rồi nhiều thú dữ cơ. Nhưng lúc bấy giờ những người đi không ai nản lòng, cũng không ai kỳ kèo. Mà bấy giờ phân công nhá, không có đơn từ, không có rỉ tai nói cho em về chỗ này, cho tôi về chỗ kia đâu.

Bấy giờ Tây Bắc hầu như chưa có trường học, mới có vài ba trường tiểu học thôi, mà Tiểu học chỉ đến lớp 3 thôi, chứ không có đến hết lớp 4 lớp 5 như bây giờ đâu. Trường sở thì thế này: xã người ta vừa mới đào một nửa quả núi, 1 mé núi san rộng ra để làm một lớp học ở đấy cho tôi dạy. Cây thì bổ đôi ra để làm bàn, cắm 2 cái cọc ở 2 đầu chôn xuống nền đất, bàn thầy giáo cũng thế. Mãi đến hết học kì 1, Phòng Giáo dục Thuận Châu mới đóng được cho tôi 1 bộ bàn ghế giáo viên. Thế nhưng mà vui lắm.

Ông Vũ Đình Nhuần.

Ông Vũ Đình Nhuần.

Ăn lương chế độ đồng, “cơm chấm cơm”, mà vui

Lúc lên Tây Bắc, thầy đã là hiệu trưởng, chế độ đãi ngộ khi đó như thế nào?

- Hiệu trưởng là nói cho oai thế thôi. Tôi về Trường Tiểu học Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, với danh nghĩa là hiệu trưởng nhưng thực ra là phụ trách trường chứ ở Tây Bắc bấy giờ chưa có hiệu trưởng. Ở dưới xuôi mình đã làm hiệu trưởng 5 trường rồi, lên đến Tây Bắc cũng là hiệu trưởng nhưng chỉ có chế độ phụ trách, không có đồng phụ cấp chức vụ gì cả. Lương dưới xuôi mình được 47 đồng, lên đây nhận thêm 20% nữa thành hơn 60 đồng. Không có ưu tiên, có ưu đãi gì đâu nhưng chúng tôi không thắc mắc. Thế hệ chúng tôi là thế hệ hy sinh.

Xã tôi dài 24 km, có 22 bản, 3 bản Mèo, 4 bản Xá Khao, 2 bản Xá Cẩu còn lại là người Thái. Trường tôi chỉ 3 giáo viên, tôi và 2 giáo viên nữa là người Thái. Hai anh này dạy học bình dân chữ Thái buổi chiều. Tôi bảo các cậu phải dạy phổ thông buổi sáng thì mới có lương, thì mỗi tháng các anh ấy mới được 27 đồng. Mà mình cũng phải khôn ngoan lắm mới làm việc được với phòng để lo mức lương ấy cho họ có động lực phấn khởi.

Tôi về thì tôi dạy 1 lớp ghép, tức là cả vỡ lòng, cả lớp 1 và lớp 2. Nếu buổi sáng dạy lớp vỡ lòng, buổi chiều dạy lớp 1-2 thì sẽ được thêm 27 đồng đấy, nhưng tôi không làm thế, tôi cứ dạy lớp ghép nó vui và học sinh nó chỉ học 1 buổi. Phần lớn các em đi phải 4-5km, 10km, chúng nó cưỡi ngựa đi học. Học sinh lúc đó cũng phải 9, 10 tuổi rồi.

Hai anh giáo viên người Thái thì tôi bố trí dạy vỡ lòng. Các anh người Thái bấy giờ mới có trình độ lớp 3 thôi. Mà gọi là lớp 3 nhưng thực chất chỉ gọi là thoát nạn mù chữ. Đúng là cơm chấm cơm, chứ không phải là cơm chấm vừng, chấm mắm muối gì đâu.

Thưa thầy, thầy có thể kể một vài kỷ niệm với người dân nơi thầy dạy học?

- Trong cái khổ cũng nhiều cái vui. Tuần nào tôi cũng đi thăm phụ huynh học sinh ở các bản, kể cả các bản không có học sinh tôi cũng đến chơi. Huyện giao cho xã phải bảo vệ anh giáo cho nên tôi đi đâu là có có du kích đeo súng đưa đi. Rồi ông chủ nhà đi theo cầm đuốc, với vài ba học sinh đi với thầy để uống rượu hộ thầy: ngồi ăn cỗ đông người, nó thò tay vào rút cái chén của thầy ra uống rồi đổ cho thầy chén nước lã. Gần thì đi bộ, xa thì cưỡi ngựa.

Trẻ con đi học thì cứ đi qua chỗ nhà thầy, thầy chưa đến trường, nó lại dúi cho thầy dăm cái trứng, vài ba bắp ngô luộc, mấy quả cam. Có khi mình phải ngăn bớt lại vì ăn sao hết.

Đã 61 năm kể từ buổi đầu tiên lên Tây Bắc, có thể nói thầy là lớp người đã cũ. Chắc thầy cũng có nhiều nỗi niềm với giáo dục?

- Không phải là kể công, nhưng khái quát lại cho đúng thì có thể nói không có thế hệ “giáo viên 59” chúng tôi thì không có sự nghiệp giáo dục miền núi nói chung và Sơn La nói riêng như bây giờ. Tất cả là do công Cụ Hồ cả đấy. Cụ lên Tây Bắc ngày 7/5/1959 cụ thấy giáo dục Tây Bắc chưa phát triển, thế là cụ đề xuất việc này. Từ Khu học xá Mường La, đoàn quân 59 tỏa đi khắp vùng núi cao rừng thẳm, biết bao là khó khăn họ đã vượt qua. Rồi từ đây lại có trường sư phạm, sơ cấp rồi trung cấp, đào tạo ra giáo viên nữa.

Sau khi xóa Khu tự trị, lập tỉnh, thì tỉnh nào cũng có Ty Giáo dục, cũng phát triển đầy đủ giáo dục phổ thông, mầm non, bổ túc. Phát triển rực rỡ. Tôi chỉ nói như cấp 3 thôi, trước đây cả Sơn La chỉ có mỗi trường Tô Hiệu, mà là ghép cấp 2 và cấp 3. Bây giờ có đến trên 30 trường. Mẫu giáo thì trước đây cả khu chỉ có một trường ở Thuận Châu. Bây giờ thì bản nào cũng có lớp mẫu giáo.

Lớp người cũ chúng tôi, kẻ còn, người mất, giờ ngồi nhớ lại ngày xưa, vừa vui, lại vừa buồn.

Tôi có làm bài thơ về nỗi niềm này, xin được đọc mấy câu:

Tây Bắc vui rồi “Năm Chín” ơi!
Rừng hoang, núi hiểm hóa nương đồi,
Sốp Cộp, Mường Tè về Phong Thổ,
Sìn Hồ, Co Mạ đến Mường Cơi.
Pha Đin dốc núi đèo thăm thẳm!
Hun hút mây trời Nậm Cắm ơi,
Dào San dốc lên rồi dốc xuống,
Trường em cheo leo nơi cổng trời!
Bao năm dầu dãi dần xa lắc
Trường xưa, lớp cũ, nay còn đâu!
Người lên Long Hẹ chiều sương ấy
Đã gửi xương tàn núi rừng sâu?
Đoàn quân “năm chín” còn ai nhỉ?
Nay ở Sơn La chỉ mấy người!
Ai lên Tây Bắc chiều thu ấy?
Hẳn thấy “Bồng Lai” ở chốn này.

Xin cảm ơn thầy!

Nguyễn Văn Huy - Nguyễn Thị Trâm (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chuyen-xua-da-cu-504624.html