CMC đề xuất giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp công nghệ thông tin

Ông Nguyễn Phước Hải - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn CMC đã chia sẻ hướng tháo gỡ 2 khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp CNTT Việt Nam đang đối mặt là hạn chế trong đầu tư nghiên cứu, phát triển và thiếu sự đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những đề xuất này được ông Nguyễn Phước Hải trình bày tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Doanh nghiệp Việt cần đổi mới để bắt kịp xu thế

“Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” là sự kiện hướng đến góp phần phản ánh bức tranh về thực trạng kinh tế thế giới và Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, nhận diện những thách thức và cơ hội cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024.

Tham dự diễn đàn gồm có đại diện các ban ngành, viện nghiên cứu và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trên cả nước…

 Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp 2023

Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp 2023

Mở đầu diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra đánh giá về tình trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay. Nhìn vào nền kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm chưa có nhiều điểm sáng, ông Hoàng Quang Phòng nhận định: “Điều đó đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”.

 Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin

Trong buổi thảo luận, ông Nguyễn Phước Hải - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn CMC đã chỉ ra những khó khăn và vướng mắc mà nhiều doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam đang phải đối mặt.

Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam còn hạn chế trong đầu tư nghiên cứu và phát triển do tâm lý e ngại rủi ro, thiếu sự dẫn dắt từ các doanh nghiệp lớn để thúc đẩy hoạt động… Điều này khiến khả năng sáng tạo các giải pháp tiên tiến bị hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Thậm chí, chúng ta rất dễ bỏ lỡ hoặc đi chậm một bước so với thế giới trong các xu hướng công nghệ quan trọng như: AI, IoT, VR, Blockchain...

Thứ hai, là thiếu sự đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. “Việc đào tạo nhân lực có chuyên môn sâu, có trình độ chuyên ngành tốt sẽ là mục tiêu chung mà mọi doanh nghiệp CNTT cần hướng tới. Bởi nhân lực chất lượng cao là nền tảng cốt lõi cho sự tồn tại và phát triển của mọi doanh nghiệp", ông Nguyễn Phước Hải đánh giá.

 Ông Nguyễn Phước Hải - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn CMC phát biểu tại diễn đàn

Ông Nguyễn Phước Hải - Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn CMC phát biểu tại diễn đàn

Về quan điểm này, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng bày bày tỏ đồng tình với những khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay. Bà cho rằng: “Chúng ta là cần những giải pháp thể chế mang tính căn cơ, lâu dài để giải quyết. Chẳng hạn đối với những vấn đề khó khăn, khách quan của thế giới, chúng ta cần có một nền kinh tế tự chủ, độc lập, tư cường để dù có những biến động nào chúng ta cũng đều có thể chủ động kiểm soát…”.

Xác định rõ những khó khăn mà toàn ngành đang phải đối mặt, ông Nguyễn Phước Hải đề ra một số giải pháp tháo gỡ. Cụ thể, là cần có sự tập trung, chọn lọc vào công nghệ mũi nhọn. Xác định rõ điều này, Tập đoàn CMC đã cho ra đời Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI. Đây là nòng cốt sáng tạo công nghệ lõi, đồng thời sáng tạo ra nguồn nhân lực nghiên cứu ứng dụng chất lượng cao cho ngành.

Đến nay, Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI đã phát triển, hoàn thiện được 11 sản phẩm Công nghệ Make in Vietnam - Made by CMC, như: Giải pháp nhận diện khuôn mặt CIVAMS.FACE, VOICE (Speech-to-text & Text-to-speech), Nhận diện ký tự quang học - OCR, Trợ lý ảo - Chatbot, Truy xuất nguồn gốc - GTRUST, Lắng nghe mạng xã hội Social listening…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo nguồn nhân sự chất lượng cao. Cụ thể, việc dành ngân sách kinh phí và quỹ thời gian hợp lý để đào tạo kỹ năng chuyên môn cho cán bộ nhân viên là cần thiết.

Tại CMC, chương trình đào tạo nhân sự chất lượng cao được cập nhật thường xuyên. Tính riêng năm 2022, tổng số giờ đào tạo đạt 48.025 giờ. Số giờ đào tạo trung bình cho 1 nhân sự là 8 giờ/năm… Đáng kể đến, nhận được sự đầu tư lớn của Tập đoàn, Trường đại học CMC ra đời với mô hình đại học số tiên phong tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa giấc mơ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ…

 Sinh viên Đại học CMC tham gia các môn học có sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia công nghệ. Ảnh: Trường ĐH CMC

Sinh viên Đại học CMC tham gia các môn học có sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia công nghệ. Ảnh: Trường ĐH CMC

“Trong định hướng của chúng tôi, trường Đại học CMC sẽ dành 60% chỉ tiêu cho các chuyên ngành đào tạo thiết kế Chip, Robotics, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, có hệ nhúng, IoT với yếu tố AI tích hợp vào các quy trình và sản phẩm... Đây được xem là những lĩnh vực công nghệ chủ chốt trong tương lai”, ông Nguyễn Phước Hải chia sẻ thêm.

Thúy Ngà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cmc-de-xuat-giai-phap-go-kho-cho-doanh-nghiep-cong-nghe-thong-tin-2167561.html