Có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn để tạo nền nếp, kỷ cương về an toàn giao thông trên đường cao tốc

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ hiện hành là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không tách nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ ra khỏi dự án Luật này để bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng ùn tắc giao thông ở các đô thị hiện nay, nhất là ở TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là do tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị quá thấp, kể cả các đô thị xây dựng sau năm 2008 chưa tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (từ 16% đến 26%); có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phù hợp với từng loại đô thị khác nhau....

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ trong phiên họp ngày 11-11. Ảnh: VPQH

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ trong phiên họp ngày 11-11. Ảnh: VPQH

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP Hà Nội) đề nghị nghiên cứu bổ sung bắt buộc đánh giá tác động giao thông, có biện pháp để bảo đảm các công trình đầu tư có phát sinh nhu cầu giao thông phù hợp với năng lực đáp ứng và kết cấu của hạ tầng giao thông.

“Những khu đô thị, tòa nhà cao tầng, khi được cấp phép phải đánh giá về an toàn giao thông. Ở nhiều khu dân cư nếu có trên 250 hộ dân là phải đánh giá tác động của an toàn giao thông”, đại biểu nói và cho rằng đây là việc quan trọng và Chính phủ nên có quy định chi tiết nhằm giảm ùn tắc tai nạn giao thông.

Cũng theo đại biểu, nên chăng những chủ thể sinh ra ùn tắc giao thông phải đóng phí cho thành phố để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông? Việc này hiện luật chưa có quy định song đây là câu chuyện thực tiễn, cần xem xét trong thời gian tới.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị cần định hướng được cho thị trường vận tải phát triển ổn định, rõ ràng, cạnh tranh lành mạnh. Bởi theo đại biểu, có thời kỳ chúng ta siết các tuyến cố định, nhưng lại buông lỏng đối với một số loại xe khác như xe limousine, xe công nghệ..., gây lộn xộn cho thị trường vận tải. Đại biểu đề nghị hoạt động vận tải cần đưa vào quy hoạch, quản lý chặt chẽ.

Góp ý vào dự thảo luật, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (Lai Châu) cho rằng, hiện nay, các luật chủ yếu đề cập về xe cơ giới và phương tiện nhưng không nói đến việc dành đường cho người đi bộ. Theo Phó chủ tịch Quốc hội, ở một số nước, Luật Giao thông đường bộ đề cập rất rõ việc ưu tiên dành đường cho người đi bộ, vỉa hè phải được thiết kế để bảo đảm an toàn giao thông. Còn ở Việt Nam, phần đường dành cho người đi bộ không được đề cập trong luật mà chỉ chủ yếu là dành cho xe máy, ô tô, xe bus, xe taxi... Vì thế, trong dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần chú trọng đến việc bảo đảm phần đường dành cho người đi bộ cũng như ưu tiên phần đường dành cho người tàn tật, người đi xe đạp gắn với bảo vệ môi trường và cần có quy định về thời gian lưu thông trên đường. Việc làm này cũng góp phần giảm tải tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý về tiêu chuẩn đối với đường cao tốc và bảo đảm an toàn giao thông ở các đoạn đường này. Bởi thực tế hiện nay, ở một số đường cao tốc, người dân vẫn dừng, đón khách ở một số đoạn. Thậm chí, nhiều đoạn hiện nay chưa phải là đường cao tốc, chỉ có 2 làn, không có dải phân cách nên dễ xảy ra tai nạn giao thông. Do đó, vấn đề bảo vệ hành lang đường cao tốc cần được nói rõ hơn trong dự án luật.

Nhắc đến một thực tế khác hiện nay như người dân vẫn thả trâu bò hay lùi xe ở một số đoạn đường cao tốc, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng một phần nguyên nhân là do chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm giao thông trên đường cao tốc còn chưa nghiêm khắc; đề nghị Luật cần đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn để tạo nền nếp, kỷ cương về an toàn giao thông trên đường cao tốc cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) tán thành với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ với các phạm vi điều chỉnh và kết cấu giao thông đường bộ và phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý Nhà nước về đường bộ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị trong các loại hình giao thông đường bộ cần có quy định cụ thể, đặc thù về giao thông đô thị và trong dự án Luật cần có một chương nói rõ về vấn đề này.

Cũng tại phiên thảo luận, một số đại biểu còn cho ý kiến về chứng chỉ đối với lái xe, hành vi không được thực hiện khi tham gia giao thông... Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 16-11 tới.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/co-bien-phap-xu-ly-nghiem-khac-hon-de-tao-nen-nep-ky-cuong-ve-an-toan-giao-thong-tren-duong-cao-toc-643554