Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: Khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu

Sau gần 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%). Đây đều những mục tiêu quan trọng liên quan tới: cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp, lao động.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt vượt mục tiêu

Báo cáo về tình hình giữa kỳ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cho biết sơ bộ sau gần hai năm thực hiện, trong số 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn.

Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 3 năm 2021-2023 so với GDP đạt 33,61% (mục tiêu đặt ra là 32 - 34%). Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 ước đạt khoảng 35,3 - 46,09% (mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 45% GDP).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về các nội dung kinh tế xã hội sáng 16/10.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về các nội dung kinh tế xã hội sáng 16/10.

Toàn bộ 102 nhiệm vụ xây dựng chương trình, đề án tại Nghị quyết số 54/NQ-CP của Chính phủ đã được triển khai. Trong đó, 37 nhiệm vụ đã hoàn thành và có kết quả rõ ràng; 28 nhiệm vụ đang chỉnh sửa, hoàn thiện để trình cấp thẩm quyền ban hành; 37 nhiệm vụ đang triển khai theo kế hoạch.

Các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và đảm bảo an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 3,36% (cuối năm 2020 là 1,69%, năm 2021 là 1,49%; năm 2022 là 2%), tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ ở mức 5,1%. Một số chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tính bất định cao.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hai năm 2021-2022 vượt mục tiêu đề ra; khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia so với bình quân các nước ASEAN-4 có bước thu hẹp. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu ước thực hiện năm 2023 đạt 86,44% GDP, vượt mục tiêu tại Nghị quyết số 31 là đạt tối thiểu 85% GDP.

Các nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra đã bước đầu thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa, xanh hóa. Theo đó, năm 2022, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đạt 14,26% (mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 20%), tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực ước đạt 8,47% (mục tiêu đến năm 2025 đạt tối thiểu 10%).

Số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ năm 2021 tăng 28,5% (mục tiêu đến năm 2025 tăng trung bình 15%/năm). Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng, trong đó năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GDP ước thực hiện năm 2023 đạt khoảng 35,3 - 46,09% (mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 45% GDP).

Một số nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế được tích cực triển khai như cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đầu tư công, đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và cơ cấu lại ngành dịch vụ.

Có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển

Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra cũng nêu một số vấn đề, đề nghị quan tâm, đánh giá.

Cụ thể, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được triển khai chưa nhiều, chưa mang lại những thay đổi đáng kể, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển. Trong đó còn 36,3% số nhiệm vụ chưa hoàn thành việc ban hành văn bản, chương trình, đề án triển khai thực hiện. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ được giao còn bất cập; có nhiệm vụ tuy đã được triển khai, nhưng kết quả khó đo lường, chưa thấy rõ như phát triển nguồn nhân lực, phát triển và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, cơ cấu lại khu vực sự nghiệp công lập.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tóm tắt

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra tóm tắt

Về kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 48,1%) bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan tới cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp, lao động.

Đồng thời, ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ tác động của việc dự kiến không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Việc thực hiện cơ cấu lại đầu tư công cũng bộc lộ một số bất cập, tiến độ giải ngân chậm, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, ảnh hưởng đến tính bền vững của kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công đến năm 2025. Mặc dù tiến độ thu ngân sách nhà nước về tổng thể đạt khá, song chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất, dầu thô, xổ số, đây là những khoản thu không ổn định, bền vững.

Năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng còn hạn chế; tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp. Quá trình triển khai xử lý các ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng “mua bắt buộc” gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ.

Cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa hoàn thành nhiệm vụ hoàn thiện thể chế theo quy định, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý trong việc sắp xếp, tổ chức lại và thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Thủ tục hành chính của nhiều ngành, lĩnh vực hiện nay còn rườm rà, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, còn nhiều giấy phép con liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, phát sinh một số thủ tục hành chính mới. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể kết quả cắt, giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính từ năm 2021 đến nay, đặc biệt là kết quả cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; hiệu quả của việc cắt, giảm thủ tục hành chính.

Theo cơ quan thẩm tra, cơ chế liên kết vùng chưa đi vào thực chất để hình thành không gian phát triển, phân bổ hiệu quả nguồn lực trong vùng trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương. Có ý kiến cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là chất lượng thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội còn bất cập; các cơ quan trung ương chưa liên kết chặt chẽ trong công tác tổ chức và quản lý các hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là trong phân bổ và điều phối nguồn lực phát triển giữa các địa phương.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/co-cau-lai-nen-kinh-te-giai-doan-2021-2025-kho-hoan-thanh-1327-muc-tieu-chi-tieu-137659.html