Cô gái 27 tuổi nhập viện sau khi mẹ hỏi: 'Bao giờ mới lấy chồng?'

Bị thúc ép kết hôn với người mình không yêu, cô gái trẻ phải nhập viện trong tình trạng co giật, tê liệt tay chân và khó thở.

Sự việc xảy ra tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).

Cô gái 27 tuổi này liên tục bị gia đình giục cưới vì cho rằng "quá tuổi lấy chồng".

Sau một cuộc tranh cãi căng thẳng với mẹ về việc bao giờ mới chịu lấy chồng, cô bất ngờ lên cơn co giật, cảm thấy tê bì tay chân và khó thở.

Ngay sau đó, cô được đưa đi cấp cứu và được chẩn đoán mắc hội chứng kiềm hô hấp – một phản ứng sinh lý do xúc động mạnh gây ra, thường gặp ở người có tâm trạng bất ổn, dễ lo lắng hoặc căng thẳng kéo dài.

Cô gái 27 tuổi được gia đình đưa vào bệnh viện sau khi phát bệnh vì áp lực kết hôn. Ảnh: Weibo

Cô gái 27 tuổi được gia đình đưa vào bệnh viện sau khi phát bệnh vì áp lực kết hôn. Ảnh: Weibo

Theo bác sĩ điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định sau khi được chăm sóc y tế.

Tuy nhiên, trường hợp này cho thấy tác động nghiêm trọng của áp lực kết hôn lên sức khỏe tâm lý và thể chất của người trẻ, đặc biệt là phụ nữ.

Câu chuyện thu hút hàng triệu lượt bình luận trên mạng xã hội Weibo. Không ít người đồng cảm, chia sẻ rằng họ cũng đang đối mặt với áp lực tương tự từ gia đình, dù chưa sẵn sàng hoặc chưa tìm được người phù hợp.

"Tôi thà lấy chồng muộn còn hơn cưới nhầm người", một người viết.

"Giục cưới giống như tra tấn tinh thần. Chúng tôi cần được lắng nghe và tôn trọng lựa chọn cá nhân", một người khác bày tỏ.

Hiện tại, chủ đề "giục cưới" đang trở thành tâm điểm bàn luận tại Trung Quốc – nơi văn hóa truyền thống vẫn đặt nặng việc kết hôn đúng tuổi, nhất là với nữ giới.

Xu hướng "hoãn kết hôn" của giới trẻ Trung Quốc

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh trong những năm qua, kéo theo những cảnh báo về sự thay đổi trong cấu trúc dân số và quan điểm về gia đình của giới trẻ.

Mặc dù có một sự phục hồi nhẹ vào năm 2023, nhưng trong năm 2024, số lượng cặp đôi kết hôn lại giảm xuống chỉ còn 6,11 triệu, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Bộ Nội vụ Trung Quốc.

Jingyi Hou, một giáo viên 30 tuổi tại tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc, là một ví dụ điển hình.

Mặc dù bố mẹ cô kiên trì sắp xếp hơn 20 buổi hẹn hò trong suốt ba năm qua nhưng Jingyi vẫn lựa chọn sống độc thân và không cảm thấy vội vàng tìm kiếm một người bạn đời.

Cô chia sẻ: "Tôi không cảm thấy hôn nhân là điều quan trọng trong cuộc sống lúc này."

Và Jingyi không phải là trường hợp cá biệt.

Giới trẻ không còn mặn mà với những kỳ vọng xã hội về việc kết hôn sớm. Thay vào đó, nhiều người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, coi sự nghiệp và tự do cá nhân quan trọng hơn việc lập gia đình. Ảnh minh họa

Giới trẻ không còn mặn mà với những kỳ vọng xã hội về việc kết hôn sớm. Thay vào đó, nhiều người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, coi sự nghiệp và tự do cá nhân quan trọng hơn việc lập gia đình. Ảnh minh họa

Sự sụt giảm tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc không phải là điều mới mẻ. Đã có xu hướng giảm từ năm 2013, và điều này tạo ra những thay đổi trong cấu trúc dân số, cùng với thái độ của giới trẻ về việc lập gia đình. Đặc biệt, nhóm tuổi từ 20 đến 40, lứa tuổi trong nhóm lập gia đình, đang có sự suy giảm đáng kể.

Số liệu từ Niên giám Thống kê Trung Quốc cho thấy trong năm 2023, dân số trong độ tuổi này chỉ còn 371 triệu người, giảm mạnh từ 435 triệu người cách đây một thập kỷ, khi số lượng đăng ký kết hôn đạt mức cao nhất.

Theo Li Ting, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Dân số của Đại học Nhân dân Trung Quốc, nguyên nhân chính của sự suy giảm này không chỉ nằm ở vấn đề giảm dân số mà còn ở xu hướng hoãn kết hôn của giới trẻ.

"Trước đây, giới trẻ thường kết hôn vào những mốc quan trọng trong sự nghiệp hoặc sau khi tốt nghiệp, nhưng giờ đây nhiều người chỉ nghĩ đến kết hôn khi họ có kế hoạch sinh con," giáo sư Li cho biết. Điều này cũng đồng nghĩa với việc kế hoạch lập gia đình đã bị trì hoãn so với các thế hệ trước.

Một phần nguyên nhân là do sự thay đổi trong quan điểm của giới trẻ, đặc biệt là những phụ nữ sinh vào những năm 1990 và 2000.

Họ không còn mặn mà với những kỳ vọng xã hội về việc kết hôn sớm. Thay vào đó, nhiều người trẻ, đặc biệt là phụ nữ, coi sự nghiệp và tự do cá nhân quan trọng hơn việc lập gia đình.

Bên cạnh đó, khó khăn về tài chính cũng là một yếu tố quan trọng khiến giới trẻ Trung Quốc hoãn kết hôn.

Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi đã lên tới mức cao kỷ lục 20,8% vào năm 2023.

Shan Shan, một phụ nữ Trung Quốc, chia sẻ với DW rằng thị trường lao động hiện tại rất khó khăn, khiến cô không còn đủ năng lượng để nghĩ đến việc kết hôn.

Tương tự, Xiao Gang, một kỹ sư phần mềm, cũng cho biết anh phải làm thêm giờ liên tục để tránh bị sa thải, và không còn hứng thú với việc đi chơi hay tìm kiếm bạn đời.

Christa, một phụ nữ 25 tuổi, hiện đang làm quản lý dự án cho một công ty sản xuất, cho biết cô không thấy hôn nhân cần thiết đối với mình.

"Tôi tin rằng việc kết hôn sẽ ảnh hưởng đến những thành tựu của tôi, đặc biệt là sự nghiệp của tôi," Christa nói.

Tại một số thành phố nhỏ ở Trung Quốc, các quan chức địa phương cho rằng một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc hoãn kết hôn là việc giới trẻ phải đi làm xa ở các thành phố lớn.

Điều này khiến cho việc tìm kiếm bạn đời trở nên khó khăn hơn, khi nhịp sống nhanh và các mối quan hệ xã hội bị hạn chế.

Các chuyên gia về dân số của Trung Quốc cũng đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng người không kết hôn suốt đời.

Những người trong độ tuổi từ 50 trở lên mà chưa kết hôn có thể sẽ không có khả năng sinh sản, dẫn đến những hệ quả về dân số trong tương lai.

Trà My (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/co-gai-27-tuoi-nhap-vien-sau-khi-me-hoi-bao-gio-moi-lay-chong-172250705121352271.htm