Cô giáo Ba Na vượt khó nơi vùng biên

Sinh ra trong gia đình khó khăn, cô giáo người Rơ Ngao (Ba Na) Y Yong, 35 tuổi, hiện đang công tác tại Trường Mầm non xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã vượt qua nhiều khó khăn để trở thành giáo viên mầm non, dạy học cho những trẻ em vùng sâu.

Cô Y Yong được nhiều học sinh và phụ huynh yêu quý. Ảnh: Tùng Lâm

Cô Y Yong được nhiều học sinh và phụ huynh yêu quý. Ảnh: Tùng Lâm

Sinh ra trong gia đình khó khăn ở xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum), từ khi còn nhỏ, Y Yong đã quen với cuộc sống làm rẫy, thiếu thốn trăm bề. Cô kể, nhà có 9 anh chị em, Y Yong là người con thứ 6, cả gia đình chỉ sống trong căn nhà xập xệ, mùa nắng nóng hầm như lò lửa, mùa mưa thì dột khắp nơi. Cả gia đình chỉ trồng chờ vào vườn mỳ, vườn lúa, mong sao đạt năng suất để có cái mưu sinh.

Chính vì cuộc sống khốn khó đã rèn giũa ý chí, tinh thần của cô Y Yong. Với Y Yong, điều khiến cô thấy quý giá nhất chính là được đến trường học tập. Cô ý thức được, chỉ có con chữ mới giúp tương lai tươi sáng. Vậy nên, Y Yong cố gắng đi học đều đặn, tiếp thu bài trên lớp để về nhà không tốn nhiều thời gian ôn bài, có thể đỡ đần việc nhà, việc rẫy cho bố mẹ.

Cô Y Yong tâm sự: Ngày đấy không chỉ riêng tôi mà gia đình các bạn khác trong làng cũng rất khó khăn. Nhưng lại có rất ít bạn ham học nên đa số đều nghỉ học sớm. Ngày ấy, cả làng chỉ có tôi học hết lớp 12 và theo học đại học. Y Yong nhớ lại, năm 2007, khi biết tin cô trúng tuyển ngành Sư phạm, Trường Đại học Quy Nhơn, gia đình, thầy cô và nhiều người trong làng đã đến nhà chúc mừng, chung vui. Bởi ngày ấy, số người học đại học rất ít, hơn nữa, Y Yong là người dân tộc thiểu số (DTTS) nên mọi người rất tự hào.

Đến với mái trường đại học, Y Yong đã thực hiện được một phần giấc mơ. Mong muốn còn lại của cô là cố gắng học tập thật tốt để ra trường và trở thành giáo viên về dạy học cho trẻ em ở địa phương. Nhà quá nghèo, nên khi Y Yong đi học, bố mẹ chỉ biết động viên và nhét vào ba lô cô vài trăm nghìn đồng đi đường. Suốt nhiều năm học, Y Yong luôn nhận được sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của nhà trường nên thành tích học tập của cô rất tốt.

Khi ra trường, Y Yong trở về địa phương và chọn Sa Thầy làm nơi gắn bó. Y Yong tâm sự: "Từ bé, tôi đã có ước mơ làm giáo viên mầm non. Tôi rất thích múa hát, thích làm đồ chơi từ phế liệu. Nên khi trở thành giáo viên dạy học cho trẻ em đồng bào DTTS ở huyện Sa Thầy, tôi rất thích, bởi đa số các em ở đây đều có cuộc sống, tuổi thơ giống tôi".

Dạy học tại Trường Mầm non xã Ya Xiêr, nơi đây, đa số là đồng bào Gia Rai, cuộc sống gia đình các em hầu hết đều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp. Để phụ huynh cho con em đến lớp, cô Y Yong phải thường xuyên đến nhà vận động, làm quen với các em học sinh, tạo thiện cảm với các phụ huynh. Nhờ vậy, tỷ lệ ra lớp đúng độ tuổi của các em học sinh luôn được đảm bảo. Vận động được các em học sinh đến lớp là thành công bước đầu, để các em đi học đều đặn, chuyên cần, buộc cô Y Yong phải có những bí quyết riêng. Vì là học sinh đồng bào DTTS, các em rất rụt rè, nhút nhát, nên cô Y Yong luôn nhỏ nhẹ, ân cần khi giao tiếp, hỏi thăm để các em xem cô như người mẹ thứ 2 của mình.

Niềm vui của con trẻ là hạnh phúc của cô Y Yong. Ảnh: Tùng Lâm

Niềm vui của con trẻ là hạnh phúc của cô Y Yong. Ảnh: Tùng Lâm

Khi các em bắt đầu thân thiện, cô Y Yong dùng những món đồ chơi để dụ dỗ các em, cùng các em sáng tạo nên những món đồ chơi màu sắc. Và cứ thế, các em xem trường học như mái nhà của mình, ở đây, các em được các cô dạy dỗ, học tập, vui chơi, chăm sóc chu đáo.

Cô Y Yong tâm sự: "Dạy học cho các em học sinh DTTS không khó, phải lấy tình yêu, tâm huyết của người làm nghề giáo để bù đắp những thiệt thòi, thiếu thốn của các em, chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ. Như vậy, khi các em nghe bố mẹ nhắc đi học sẽ hào hứng, đến trường gặp các cô sẽ vui mừng. Có nhiều em thích ở trường hơn ở nhà, thấy ba mẹ đến đón còn khóc đòi ở lại trường với các cô và bạn bè".

Với sự sáng tạo trong dạy học, tận tụy, tâm huyết với nghề giáo, cô Y Yong đã nhiều lần được ghi nhận khi tham gia Hội thi “Làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo cấp học mầm non”, Cuộc thi “Thiết kế video hướng dẫn cha mẹ chăm sóc trẻ mầm non”; đạt giáo viên giỏi cấp huyện năm học 2022-2023.

Cô Tống Thị Thạo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Cô Y Yong là một trong những giáo viên có trình độ chuyên môn tốt. Cô Y Yong hát hay, múa đẹp và khéo tay, tạo nên những sản phẩm, đồ chơi thu hút các em học sinh nên rất được phụ huynh, học sinh yêu quý. Cô Y Yong là giáo viên DTTS nên luôn hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh của các em học sinh nơi đây, chính vì thế mà tỷ lệ đến lớp và chuyên cần của các em luôn được đảm bảo. Nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các giáo viên trong trường thỏa sức sáng tạo và tham gia cuộc thi do các cấp, các ngành tổ chức nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa".

Tùng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-giao-ba-na-vuot-kho-noi-vung-bien-post464557.html