Cô giáo tôi

Mỗi người đến trong cuộc đời đều ít nhiều mang đến cho ta một cảm giác nào đó. Có người đem lại ảo ảnh thoáng qua, nhưng cũng có người mang đến nguồn vui bất tận nối dài đến cả cơn mơ. Cứ mỗi lần nghĩ về hình ảnh cô giáo của tôi, là cả một bầu trời đáng yêu và hạnh phúc bời bời xuất hiện.

Tôi đã gặp khá nhiều phụ nữ mà khi nhìn họ thì rất khó đoán được tuổi tác. Họ trẻ hơn nhiều so với tuổi thực của mình. Và một trong những bí kíp mà tôi nhận ra, đó là họ dùng một loại thần dược, mà cô giáo tôi hay gọi là “tinh thần AQ”. Dĩ nhiên, không phải là phép thắng lợi tinh thần cực đoan giống hệt như nhân vật trong truyện Lỗ Tấn, mà hiểu nôm na đó là suy nghĩ: rằng trẻ trung, đẹp đẽ, tinh hoa đều thuộc về ta cả. Một lần tôi hỏi cô: Ngày mai, cô dạy lớp nào? Cô hồn nhiên trả lời rằng: “Giáo viên gạo cội đi dạy lớp mầm”. Vì sao? “Bởi tâm hồn trẻ trung quá, thành ra người ta cho xuống dạy lớp mầm!”. Và lúc nào cứ mỗi mùa xuân qua, cô tôi lại tự nhận mình già thêm... nửa tuổi. Có nghĩa là sau bao nhiêu năm, số tuổi của cô vẫn cứ dao động tại khoảng mười mấy hai mươi, thua hẳn cả tuổi học trò cũng chịu.

Minh họa: KIM HƯƠNG

Xin mượn một câu ca dao để minh họa cho trường hợp cô tôi: Ra đường cô hãy còn son/Về nhà cô đã mấy con, cùng chồng. Tôi thiển nghĩ, phải chăng là do sự phóng khoáng, niềm yêu đời và say mê cái đẹp đã khiến cho cô tôi còn trẻ mãi trong mắt mọi người? Có lần ngủ lại nhà cô, sáng hôm sau, tôi dậy sớm, trời đã sáng, nhưng chưa thấy tia nắng nào lọt qua khung cửa. Tôi rón rén mở cửa ra sau vườn thì thấy cô chú đã ở đó từ lúc nào. Chồng chăm chú tỉa hoa, vợ ôm những bông hoa chồng mới tỉa, ngắm nghía, xuýt xoa tiếc hoài vì phải đem vứt bó hồng bị bệnh nhưng trông vẫn còn thắm. Có lần, cô giáo tôi còn vì một giống hoa cúc mình đã chung thủy yêu thầm bấy lâu mà một buổi sáng đẹp trời vượt hàng chục cây số lên Kon Tum để xin về chăm chút. Mỗi lần về thăm trường cũ, gặp những giáo viên khác, thể nào thầy cô cũng hỏi đã chụp hình với mấy bụi hoa cô giáo tôi trồng trước cổng chưa. Tôi chỉ tiếc không được chứng kiến cảnh đào đất trồng hoa của cô giáo tôi thế nào.

Nhiều lúc, tôi cảm tưởng cô không phải là người phụ nữ hơn gấp đôi tuổi tôi, mà với sự vô tư, trẻ trung của cô, tôi ngỡ như là mình đang đứng cạnh một người bạn vừa ngây thơ lại vừa “bá đạo”. Có lần về làng, cô đã vội vàng cởi hết dép guốc, chân đất xăm xăm chạy đuổi theo đàn bò để chụp một bức hình cùng chúng trong tiếng hò reo rộn vang của học trò. Một lần khác, ngay trong mùa dịch này, cô cho chúng tôi xấp khẩu trang bốn lớp, mà cô bảo đó là của quý hiếm, tìm không ra mà mua cũng không có, hẳn là khẩu trang của... tình yêu rồi! Xong, sợ học trò không biết đeo, cô rút ra một cái, vừa đeo vừa hướng dẫn cho chúng tôi.

Từ ngày học THPT đến giờ, mỗi lần gặp cô, chưa lần nào tôi thấy gương mặt cô thiếu vắng nụ cười. Tôi có cảm giác như bao nỗi bực dọc sẽ tan biến ngay lập tức khi nhìn thấy cái long lanh trong ánh mắt và nét rạng rỡ trên nụ cười của cô. Có lẽ vì suy nghĩ cởi mở và gần gũi với lũ học trò chúng tôi khiến cô thấu cảm, không bao giờ giận dỗi để tắt ngấm nụ cười. Cô giáo tôi không khuyên học trò bằng từ “phải”: “Em phải làm thế này, phải làm như thế kia!” mà cô luôn nhẹ nhàng mà bảo: “Nếu cô là em, cô sẽ làm như thế này...”. Không áp đặt, cô luôn trao cho chúng tôi quyền lựa chọn, để dù chọn thế nào thì hai bên đều cảm thấy thoải mái. Và như thế, “liều thuốc bổ” để sống khỏe sống vui cứ như được tăng thêm mỗi ngày.

Càng lớn, tôi lại càng mê hình ảnh của cô giáo mình, một người phụ nữ hiện đại, dù bận rộn với công việc và chăm lo cho gia đình nhưng vẫn có những niềm vui riêng, vẫn giữ được nét tươi trẻ của tâm hồn.

NGUYỄN ĐỨC HIỀN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202003/co-giao-toi-5673406/