'Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp'

Trên cơ sở thống kê nhu cầu năm học mới, nhất là số lượng giáo viên ở các bậc học, ngành Giáo dục đề ra các giải pháp, định hướng khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các bậc học.

Toàn tỉnh thiếu 449 giáo viên

Theo thống kê mới nhất của Sở Giáo dục-Đào tạo, trong năm học 2020-2021 sắp tới, toàn tỉnh thiếu 449 giáo viên các bậc học. Trong đó, bậc mầm non thiếu 157 giáo viên; bậc tiểu học thiếu 142 giáo viên; bậc THCS thiếu 137 giáo viên và bậc THPT thiếu 13 giáo viên.

 Thiếu giáo viên vẫn là áp lực hàng năm đối với Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong) vì số trẻ luôn vượt quá mức quy định

Thiếu giáo viên vẫn là áp lực hàng năm đối với Trường mầm non Hoa Lan ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong) vì số trẻ luôn vượt quá mức quy định

Huyện Đắk Glong có số lượng giáo viên thiếu nhiều nhất 250 giáo viên, còn TP. Gia Nghĩa thiếu 81 giáo viên. Huyện Đắk Mil thừa giáo viên nhiều nhất 43 giáo viên; Cư Jút thừa 11 giáo viên tiểu học; Krông Nô thừa 3 giáo viên mầm non.

Tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm qua vẫn "nóng", nhất ở bậc mầm non, nên có những năm gần 1.000 trẻ không được đến trường. Trong năm học 2020-2021, địa phương thiếu giáo viên mầm non nhiều nhất vẫn là huyện Đắk Glong với 101 giáo viên; TP. Gia Nghĩa: 24 giáo viên; Tuy Đức: 21 giáo viên; Đắk Song: 20 giáo viên; Đắk R’lấp: 14 giáo viên; Cư Jút: 3 giáo viên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giáo viên mầm non thiếu nhiều hàng năm là do dân số cơ học tăng nhanh. Riêng huyện Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa, bình quân mỗi địa phương tăng gần 1.000 trẻ/năm.

Bậc tiểu học cũng có số lượng giáo viên thiếu tương đối nhiều. Nguyên nhân một phần là do năm học 2020-2021 sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, yêu cầu phải bảo đảm 1 giáo viên/lớp. Vì vậy, nhiều trường tiểu học dù thiếu giáo viên vẫn phải ưu tiên bố trí đủ giáo viên cho khối lớp 1. Áp lực đối với những trường tiểu học thiếu giáo viên lại càng cao hơn.

Vẫn cần giải pháp dài lâu

Theo dự kiến những năm học tiếp theo, số lượng giáo viên các bậc học sẽ tăng lên do triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là bậc tiểu học.

Vì vậy, cùng với những giải pháp tình thế trước mắt rất cần một giải pháp dài hơi hơn. Hiện nay, mặc dù Bộ Nội vụ đã cho chủ trương hợp đồng đối với giáo viên từng năm một để giảm tải tình trạng thiếu giáo viên nhưng việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn.

Để đáp ứng chủ trương “Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, không cắt giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh (theo lộ trình cắt giảm cơ học đến năm 2021 giảm 10% biên chế so với năm 2015). Đây là cơ sở để tỉnh cân đối, bố trí giáo viên cho phù hợp, cơ bản đáp ứng cho học sinh được đến trường.

UBND tỉnh cũng đề xuất Bộ Nội vụ xem xét, thẩm định, bổ sung số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đáp ứng nhu cầu thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học.

Ngọc Dũng

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/giao-duc/co-hoc-sinh-thi-phai-co-giao-vien-dung-lop-81776.html