Cơ hội đầu tư, khai thác lưỡng dụng tại sân bay Biên Hòa

Ngoài các đường bay vận chuyển hành khách và hàng hóa quốc tế, hiện 98% các đường bay nội địa đều bay đến sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) ở TP Hồ Chí Minh. Do đó, tuy công suất chỉ 25 triệu hành khách, nhưng sân bay TSN đã phải tiếp nhận tới 35-40 triệu hành khách/năm.

Thực trạng này khiến sân bay TSN tắc nghẽn cả trên bầu trời và dưới mặt đất, gây chậm chuyến, hủy chuyến, máy bay phải chờ nhau trên bầu trời, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho các hãng hàng không và ngân sách Nhà nước mỗi năm khoảng 500-700 triệu USD.

Trong khi sân bay Long Thành còn phải chờ vài năm nữa mới xong, thì hướng kết nối từ sân bay này đến TP Hồ Chí Minh cũng rất khó khăn do cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên. Trong khi đó, hiện sân bay quân sự Biên Hòa cách TSN chỉ 25km đã có chủ trương cho phép khai thác lưỡng dụng và huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, nên đây là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Quá tải tại khu vực kiểm tra an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Quá tải tại khu vực kiểm tra an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Kiến trúc sư (KTS) Trần Đình Bá - hội viên Hội KTS Việt Nam cho rằng, tắc nghẽn tại sân bay TSN đã kéo dài nhưng sân bay quân sự Biên Hòa ở Đồng Nai trị giá hơn 20 tỷ USD chỉ cách đó 25km lại để lãng phí là điều nghịch lý khó chấp nhận. Do đó Nhà nước cần sớm thúc đẩy cơ hội để biến sân bay Biên Hòa - kho tài sản lớn của toàn dân thành sân bay lưỡng dụng để “giải cứu” sân bay TSN đang trong thế bị cô lập, quá tải. Nhất là khi sân bay Biên Hòa nằm ở vị trí đắc địa, có tầm quan sát tốt, lại ở cửa ngõ Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, có hướng cất hạ cánh gần song song và cùng chiều với sân bay TSN, có đường băng cách nhau không xa nên thuận lợi trong việc cả hai sân bay cùng hoạt động và dễ dàng chi viện cho nhau trong các trường hợp khẩn cấp.

Theo KTS Trần Đình Bá, cư dân một loạt các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ với dân số trên 40 triệu người cùng với siêu đô thị TP Hồ Chí Minh có dân số 13 triệu người mới chỉ duy nhất có 1 sân bay quốc tế và quốc nội là TSN. Hơn thế, sân bay TSN lại rơi vào thế độc điểm và độc đạo ngay tại cửa ngõ ra vào sân bay. Sự bất hợp lý trên đã dẫn đến quá tải và ùn tắc giao thông nghiêm trọng ngay tại cửa ngõ sân bay TSN. Thậm chí chỉ cần một trận mưa lớn là sân bay có thể tê liệt, nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy chuyến. Với lợi thế nằm ở trung tâm công nghiệp Đồng Nai và phục vụ cả nhu cầu của người dân cả các tỉnh lân cận, khi đưa sân bay Biên Hòa vào hoạt động dân dụng, đây sẽ là nơi trung chuyển nội địa về hành khách và hàng hóa cho phần lớn các đường bay trong nước. Công suất của sân bay Biên Hòa có thể lên đến 25 triệu hành khách và 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Từ đó sân bay này sẽ mang lại nguồn thu 2-3 tỷ USD/năm.

Với 2 đường băng dài 3,6km cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ, kho tàng, hệ thống đài chỉ huy bay… có sẵn, KTS Trần Đình Bá tính toán rằng, để khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hòa chỉ cần xây thêm nhà ga hàng không nội địa phục vụ hành khách và hàng hóa cũng như làm mới diện tích sân đỗ cho máy bay khoảng 25-50ha, làm mới hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu đường băng, hệ thống phụ trợ dẫn đường… để tạo khả năng phục vụ các loại máy bay thương mại cỡ lớn cất, hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết. So sánh sân bay Biên Hòa với sân bay quốc tế Đà Nẵng, KTS Trần Đình Bá đánh giá sân bay Biên Hòa có nhiều lợi thế hơn so với sân bay Đà Nẵng. Tuy diện tích dành cho khu vực hàng không dân dụng của sân bay Đà Nẵng là 150ha, nhưng ngay từ năm 2013 sân bay Đà Nẵng đã phục vụ 4,5 triệu hành khách/năm với mức tăng trưởng 15% hàng năm, vươn lên vị trí thứ 3 sau sân bay TSN và Nội Bài. Nhà ga quốc tế của sân bay Đà Nẵng chỉ có tổng vốn đầu tư hơn 1.345 tỉ đồng và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011 với diện tích xây dựng gần 14.500m2, tổng diện tích sử dụng 36.600m2 đủ tiêu chuẩn phục vụ 6 triệu lượt hành khách/năm. Nhà ga quốc nội của sân bay Đà Nẵng có diện tích 20.000m2, phục vụ tối đa 6 triệu khách mỗi năm nhưng ngay từ năm 2010, nhà ga quốc nội của sân bay Đà Nẵng đã phục vụ 8 lượt triệu khách. Hiện các nhà ga của sân bay Đà Nẵng đã được nâng cấp, mở rộng nhằm tăng công suất phục vụ và khai thác lên khoảng 15 triệu khách nội địa và 15-17 triệu lượt hành khách quốc tế mỗi năm.

Như vậy, theo KTS Trần Đình Bá, nếu được đầu tư đúng mức, sân bay Biên Hòa sẽ trở thành sân bay lưỡng dụng có lợi thế cạnh tranh ngang ngửa với những sân bay lớn trong khu vực. Chỉ tính riêng các đường bay quốc nội, sẽ có 90% các đường bay quốc nội đến sân bay Biên Hòa để giảm tải cho TSN. Nếu tổ chức điều hành, khai thác tốt, năng lực vận chuyển của sân bay Biên Hòa có thể đạt được 20-50 triệu hành khách/năm trong tương lai gần. Về các khoản đầu tư chính để sân bay Biên Hòa hoạt động, KTS Trần Đình Bá tính toán và đưa ra con số 185 triệu USD. Đây là mức đầu tư không lớn, nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm lực để thực hiện dự án. Chỉ với mức đầu tư trên, sau 1-2 năm ngành hàng không cả nước sẽ có thêm 1 sân bay mới, hiện đại với năng lực vận tải 20 - 30 triệu hành khách/năm.

Việc khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hòa sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên đất đai và tài sản Nhà nước, nhất là khi tài sản sân bay Biên Hòa trị giá rất lớn hiện chưa được khai thác hết tiềm năng để giảm tải cho sân bay TSN. “Khai thác cụm sân bay TSN - Biên Hòa là giải pháp tốt nhất. Cụm sân bay này hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu về hàng không của khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong vòng 50 năm tới mà không cần xây dựng mới sân bay khác cho tốn kém, lãng phí. Trong đó, sân bay Biên Hòa sẽ chịu trách nhiệm chính trong vận chuyển hành khách và hàng hóa nội địa với các đường bay ngắn và cho vận chuyển hàng hóa quốc tế. Sân bay TSN sẽ chịu trách nhiệm chính trong hoạt động vận chuyển khách quốc tế và các đường bay dài trong nội địa”, PGS TS Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia hàng không nêu quan điểm.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/co-hoi-dau-tu-khai-thac-luong-dung-tai-san-bay-bien-hoa-i688723/