Cơ hội hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập

Quan chức các quốc gia Ả Rập và Trung Quốc đã gặp nhau tại thủ đô Cairo của Ai Cập để thảo luận về các chương trình hợp tác tương lai trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Cơ hội hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập. Ảnh minh họa: TTXVN

Cơ hội hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong phiên họp thứ sáu của Hội nghị hợp tác năng lượng Ả Rập-Trung Quốc diễn ra từ ngày 5-8/11, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những dự án năng lượng đang được thực hiện bởi các tập đoàn Trung Quốc tại các nước Ả Rập, cũng như cơ hội hợp tác song phương.

Chủ đề chính trong hợp tác năng lượng lần này là các lĩnh vực năng lượng bền vững, tái tạo và năng lượng sạch. Mohamed Mousa, người đứng đầu phái đoàn Ả Rập tham gia Hội nghị, và cũng là một quan chức cấp cao của Bộ Điện và Năng lượng tái tạo Ai Cập, nhận định: "Năng lượng đã trở thành vấn đề an ninh quốc gia cho mọi tiểu bang trên khắp thế giới, bao gồm Trung Quốc, Ai Cập và tất cả các nước Ả Rập".

Cũng theo nhà lãnh đạo đến từ Ai Cập, "các quốc gia Ả Rập có thể hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này (năng lượng) và hiện trong thế giới Ả Rập có rất nhiều cơ hội để thiết lập nhà máy năng lượng tái tạo cũng như chế tạo thiết bị”.

Liu Baohua, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tại hội nghị, nói rằng sự hợp tác thực dụng giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập trong các lĩnh vực dầu khí, điện, điện hạt nhân và năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được làm sâu sắc hơn”.

Theo chuyên gia Trung Quốc, sự hợp tác này được cho là "rắn chắc và hiệu quả" và "hợp tác năng lượng đã trở thành trọng tâm của hợp tác kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Ả Rập".

Các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Trung Quốc, bao gồm Tổng công ty điện lực quốc gia Trung Quốc, Sinohydro, Dongfang Electric, Shanghai Electric, đã thực hiện nhiều dự án lớn ở các nước Ả Rập, trong đó có Ai Cập, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Morocco và Jordan trong vài năm qua.

Những dự án này bao gồm việc xây dựng các tổ hợp năng lượng Mặt Trời và các nhà máy nhiệt điện than cũng như nâng cấp các lưới điện chính và mở rộng các đường dây truyền tải điện.

Tại Ai Cập, các tập đoàn Dongfang Electric và Shanghai Electric hiện đang xây dựng một nhà máy điện đốt than ở khu vực Hamrawein tại bờ Biển Đỏ với tổng công suất 6.000 MW.

"Bên cạnh việc hợp tác với Tổng công ty điện lực quốc gia Trung Quốc và tập đoàn Huawei, chúng tôi cũng đang làm việc với tập đoàn Sinohydro của Trung Quốc về việc xây dựng một nhà máy thủy điện lớn ở núi Ataqah ở tỉnh Suez Đông Bắc Ai Cập với công suất 2.400 MW", chuyên gia Mousa nói.

Chuyên gia này nói thêm rằng hàng năm tại Trung Quốc, giới chuyên gia nước này cũng đào tạo các kỹ sư Ai Cập để làm quen với công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng. Tập đoàn Sinohydro đang nghiên cứu xây dựng một khu phức hợp năng lượng Mặt Trời khổng lồ Noor ở tỉnh Đông Nam của Ouarzazate, Morocco.

Công trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2020 để cung cấp năng lượng sạch cho hơn 1 triệu ngôi nhà tại Morocco và thậm chí còn dư thừa điện để xuất sang châu Âu.

Các quan chức Morocco cho biết khu phức hợp Mặt Trời Noor sẽ là nơi sản xuất năng lượng Mặt Trời đa công nghệ lớn nhất thế giới với công suất 580 MW, coi đây là một bước tiến quan trọng trong kế hoạch tạo ra 42% lượng điện tiêu thụ từ năng lượng tái tạo vào năm 2020. Con số này dự kiến sẽ tăng lên mức 52% vào năm 2030.

Trong khi đó tại UAE, tập đoàn Harbin Electric International của Trung Quốc đã hợp tác với ACWA Power của Saudi Arabia tạo ra một liên doanh xây dựng nhà máy than sạch Hassyan ở Dubai, bao gồm bốn đơn vị với công suất sau khi hoàn thành dự kiến là 600 MW.

Mặc dù nguồn năng lượng hiện tại của các nước Ả Rập vẫn bị chi phối bởi dầu mỏ và khí đốt vì mức chi phí tương đối rẻ hơn, song những quốc gia này đang tiến hành chuyển đổi sang năng lượng bền vững và tái tạo.

Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của các nước Ả Rập, đã nâng cao công nghệ và chuyên môn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực Ả Rập thông qua quan hệ đối tác cùng thắng.

Phó Giám đốc NEA Liu nói: "Trung Quốc đã đẩy mạnh tái cơ cấu năng lượng và xây dựng một hệ thống năng lượng sạch, ít khí thải carbon, an toàn và hiệu quả, trong khi các nước Ả Rập tích cực tìm kiếm sự chuyển đổi năng lượng và điều chỉnh sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch".

Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc và các quốc gia Ả Rập có chung một tầm nhìn về phát triển năng lượng và điều này sẽ đưa sự hợp tác song phương trong lĩnh vực này lên một tầm cao mới.

"Để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, NEA của Trung Quốc và Liên đoàn Ả Rập (AL) đã quyết định thành lập một trung tâm đào tạo năng lượng sạch Trung Quốc-Ả Rập", quan chức Trung Quốc cho biết.

Yang Kai, người đứng đầu chi nhánh tại Ai Cập của Hanergy Thin Film Power Limited, đã tiết lộ kế hoạch đầu tư vào nước này để xây dựng một dự án khu công nghiệp quang điện với công suất 300 MW với số vốn đầu tư lên đến hơn 450 triệu USD. Dự kiến kế hoạch này sẽ cung cấp việc làm cho 3.000 người.

"Dự án này đã có một đối tác ở Ai Cập và chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu về tính khả thi của nó", doanh nhân người Trung Quốc nói với hãng tin Tân Hoa Xã. "Ai Cập với dân số 100 triệu người là một thị trường hứa hẹn cho các tập đoàn Trung Quốc và Trung Quốc là một nguồn chuyển giao cũng như đào tạo công nghệ năng lượng đầy hứa hẹn cho Ai Cập và các quốc gia trong thế giới Ả Rập", chuyên gia Mousa nói.

Nhà kinh tế Mahmoud Fath-Allah thuộc AL đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình đào tạo Trung Quốc đối với thế giới Ả Rập. "Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của hợp tác năng lượng với Trung Quốc là phần đào tạo vì chuyên môn của Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ tạo ra sự khác biệt trong tương lai của năng lượng tái tạo ở khu vực Ả Rập", ông nói thêm./.

Phương Nga/Bnews/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/co-hoi-hop-tac-giua-trung-quoc-va-cac-nuoc-a-rap-/102721.html