Cơ hội rộng mở với ngành vi mạch bán dẫn

Theo các chuyên gia, cơ hội việc làm trong ngành bán dẫn tương lai luôn có và sẽ đáp ứng cho cả thế giới chứ không riêng Việt Nam.

Một bản chip được trưng bày tại Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Một bản chip được trưng bày tại Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Lê Nam

Hơn thế nữa, sinh viên nên tham gia ngành này với tâm thế không chỉ làm việc cho các công ty bản địa, mà có thể làm cho các tập đoàn đa quốc gia.

Nhiều trường đón đầu ngành bán dẫn

Những ngày gần đây, ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM (quận Bình Tân) tất bật tuyên truyền cho chương trình 2+2 ngành chất bán dẫn và tài chính, học bổng toàn phần INTENSE của Đài Loan.

Theo ông Lý, Việt Nam đang hướng về phát triển ngành bán dẫn nên cơ hội việc làm ngành này rất tiềm năng. “Toàn thế giới đang hướng về ngành này, Việt Nam cũng thế nhưng lại đang rất khát nhân lực. Vì vậy, có thể thấy nhiều trường đại học, cao đẳng đang có xu thế đào tạo ngành này để vừa đáp ứng nhu cầu việc làm cho học trò mà còn đáp ứng mong đợi của Chính phủ về ngành học bán dẫn”, ông Lý nói.

Chia sẻ sâu hơn về chương trình này, ThS Nguyễn Đăng Lý cho hay, năm nay phía Đài Loan có nhu cầu tuyển khoảng 1.600 chỉ tiêu và phân bổ cho cả 3 nước là Việt Nam, Indonesia và Philippines.

“Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM xin được 100 chỉ tiêu. Ngày 8/7, phía Đài Loan sẽ gặp chúng tôi để bàn thêm. Nói chung họ rất cầu thị và liên tục sang Việt Nam để bàn chuyện triển khai chương trình. Đây là chương trình học bổng của Đài Loan kết hợp với các doanh nghiệp và 32 trường đại học tại Đài Loan triển khai”, ông Lý thông tin.

Theo ghi nhận, hiện có hàng chục trường đại học, cao đẳng công bố thông tin tuyển sinh ngành học liên quan đến bán dẫn, công nghệ vi mạch trong năm 2024. Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn.

Ngoài ra, các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội mỗi năm đào tạo 1.500 sinh viên có liên quan đến thiết kế vi mạch, công nghiệp bán dẫn và dự kiến sẽ tăng số lượng đào tạo lên gấp đôi để kịp thời bổ sung nhân lực cho ngành này.

Tại khu vực phía Nam, 3 trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM là Bách khoa, Công nghệ Thông tin và Khoa học Tự nhiên cũng được phê duyệt mở nhóm ngành công nghệ vi mạch. Đại học Quốc gia TPHCM hiện đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp, gián tiếp đến công nghệ vi mạch bán dẫn.

Trong giai đoạn 2023 - 2030, đại học này đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghệ vi mạch Việt Nam và thế giới. Từ nay đến năm 2027, Đại học Quốc gia TPHCM dự tính tuyển sinh, đào tạo khoảng 1.000 nhân lực chuyên về công nghệ vi mạch và bán dẫn.

Ngoài ra, hiện có rất nhiều trường đại học công lập lẫn tư thục bắt đầu tuyển sinh nhóm ngành công nghệ vi mạch trong năm nay, như FPT, Phenikaa, Quốc tế Sài Gòn, Công nghiệp TPHCM, Cần Thơ…

Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Ảnh: ITN

Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Ảnh: ITN

Cơ hội việc làm rộng mở

Thời gian gần đây, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor... đổ bộ vào thị trường Việt Nam với nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Có thể kể đến như Samsung đầu tư trung tâm phát triển sản phẩm lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam.

Ngoài Samsung, Việt Nam còn là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel (Mỹ). Intel Products Vietnam (IPV) được đầu tư 1,5 tỷ USD, có hơn 2.800 nhân viên và là công ty công nghệ cao lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp vi mạch bán dẫn như Công ty BE Semiconductor Industries N.V của Hà Lan đã nhận giấy chứng nhận đầu tư vào Khu công nghệ cao TPHCM, với số vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD) trong giai đoạn đầu, để đầu tư thuê nhà xưởng, sản xuất. Dự án này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý I/2025.

Để đón sóng đầu tư ngành vi mạch bán dẫn, Việt Nam đã xây dựng công viên công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) tại Thủ Đức, TPHCM. Dự án này có tổng diện tích lên đến hàng trăm hecta và dự kiến sẽ thu hút các nhà sản xuất và nhà đầu tư hàng đầu trong ngành bán dẫn vi mạch.

Đặc biệt, để thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, Việt Nam đã đưa ra một loạt các chính sách hỗ trợ như chính sách thuế ưu đãi, cung cấp đất ưu đãi, hỗ trợ tài chính và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việt Nam cũng đã ký kết các thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác quan trọng như Liên minh châu Âu (EU) và Cộng đồng ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn vi mạch.

Trước nhu cầu đầu tư sản xuất bán dẫn tại Việt Nam từ các doanh nghiệp nước ngoài, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê công nghiệp Savills, nhận định: “Để đón dòng vốn vào ngành công nghiệp bán dẫn, các địa phương, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, hạ tầng và nhân lực để có thể đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu khắt khe của ngành công nghiệp đặc thù này”.

ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM cho hay, hiện nay ngành bán dẫn chia ra 2 cấp độ. Cấp độ thứ 1 là thiết kế vi mạch và cấp độ thứ 2 là sản xuất. Trong cấp độ thứ 2 thì chia làm 2 nhánh là nhánh kiểm định và đóng gói.

“Theo nhu cầu trên thế giới thì 1 người thiết kế thì cần đến 25 người sản xuất. Trên thế giới thì người thiết kế không cần nhiều nhưng người sản xuất thì nhu cầu rất lớn. Ngay cả tập đoàn rất lớn như TSMC cũng chỉ tập trung vào phần sản xuất còn phần thiết kế thì dành cho Mỹ, vì vậy nhân lực sản xuất là cần rất lớn và đang rất thiếu tại Đài Loan, tại Mỹ và Việt Nam chắc chắn là thiếu nhiều”, ông Lý nói.

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương nhìn nhận, hiện đang có nhiều tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng đến Việt Nam và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn, do đó Việt Nam phải phát triển công nghệ vi mạch bằng chính nội lực để làm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử trong nước. “Muốn phát triển công nghệ vi mạch thì đầu tiên là phải đào tạo nhân lực, nhưng không thể chạy theo số lượng mà phải chú trọng đến chất lượng”, ông Phương lưu ý.

“Sản xuất chip bán dẫn được định vị là động lực mới đưa Việt Nam thành quốc gia thịnh vượng. Dự báo đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu”, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê công nghiệp Savills, nhận định.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-hoi-rong-mo-voi-nganh-vi-mach-ban-dan-post686470.html