Có nên uống thuốc hạ sốt trước tiêm vắc xin phòng Covid-19?

Sợ bị sốt sau tiêm vắc-xin Covid-19, nhiều người đã uống trước thuốc hạ sốt để dự phòng, thế nhưng việc sử dụng thuốc hạ sốt không đúng cách có thể nguy hiểm cho sức khỏe.

Thuốc hạ sốt có chứa paracetamol có thể gây nguy hiểm khi uống quá liều

Một số bạn đọc cho biết, họ nghe một vài người khuyên trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19, nên uống sẵn thuốc hạ sốt, thường là Paracetamol để dự phòng phản ứng sốt sau tiêm. Bạn đọc băn khoăn, không biết lời khuyên nói trên có cơ sở khoa học hay không?

Về nội dung này, Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Quang Minh, Khoa Hồi sức tim mạch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Sau khi tiêm vắc xin Covid-19, trong hầu hết các trường hợp có thể gặp một số tác dụng phụ nhỏ, cho thấy rằng cơ thể của một người đang được bảo vệ để chống lại sự lây nhiễm Covid-19.

Phản ứng này thường là đau nhức cánh tay tại vị trí tiêm vắc xin, sốt nhẹ, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ hoặc khớp… Các tác dụng phụ này hầu hết sẽ tự thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau vài ngày và không để lại di chứng.

Do có những tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin, nhiều người dân cho rằng việc dùng thuốc giảm đau trước tiêm là cần thiết, thậm chí một số bài đăng giả mạo trên mạng xã hội khuyên rằng phải uống thuốc giảm đau hạ sốt có bán tại các quầy thuốc trước khi tiêm vắc xin Covid-19 để giúp làm giảm các tác dụng phụ sau tiêm.

Paracetamol là thuốc giảm đau hạ sốt thuộc diện không phải kê theo đơn. Tuy nhiên, việc dùng quá liều và kéo dài paracetamol rất dễ gây ngộ độc thuốc, suy chức năng gan, thận, suy đa tạng và thậm chí là tử vong.

Một số thuốc giảm đau khác như Aspirin, Ibuprofen… có thể được dùng thay thế nếu người dân dị ứng với paracetamol và tác dụng phụ của thuốc cũng rất nguy hiểm, điển hình là giảm tiểu cầu xuất huyết, viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, tá tràng… nếu dùng bừa bãi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không nên dùng thuốc giảm đau hạ sốt trước khi tiêm vắc xin Covid-19 để ngăn ngừa các tác dụng phụ, vì không rõ tương tác của thuốc đến hiệu quả của vắc xin. Tuy nhiên, người dân có thể dùng paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau khác nếu cơ thể có các tác dụng phụ như đau, sốt, nhức đầu hoặc đau cơ sau khi tiêm vắc xin dưới hướng dẫn của bác sĩ dựa trên sự cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc.

Còn theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thanh Sơn - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, khi sốt từ 38,5°C trở lên thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt. Việc dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao, đơn thuần là điều trị triệu chứng, giúp cơ thể giảm bớt mệt mỏi, khó chịu, giảm bớt tình trạng mất nước, mất điện giải.

Tuy nhiên, sử dụng thuốc hạ sốt cần lưu ý sử dụng theo đúng chỉ định về liều lượng, khoảng cách giữa các liều của thấy thuốc. Liều dùng của thành phần Paracetamol trong giảm đau hạ sốt là 10-15mg/kg/lần, mỗi lần dùng cách nhau 4-6 tiếng. Nếu sử dụng Hapacol 650 chứa 650mg paracetamol, khoảng cách giữa 2 lần uống phải lớn hơn 4 giờ và không uống quá 6 viên một ngày.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo, nếu gặp diễn biến nặng lên gồm sốt cao trên 39°C, sốt kéo dài, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, sưng hoặc đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp... sau khi tiêm, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-nen-uong-thuoc-ha-sot-truoc-tiem-vac-xin-phong-covid-19-post154359.html