Cổ phiếu của một 'ông lớn' ngành xây dựng có nguy cơ bị hủy niêm yết

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có thông báo gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình về việc cổ phiếu HBC của doanh nghiệp này có khả năng bị hủy niêm yết.

Cụ thể, HBC hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo Quyết định số 165/QĐ-SGDHCM ngày 10/04/2023 của HoSE. Lý do là bởi vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu HBC có khả năng bị hủy niêm yết.

Cổ phiếu HBC có khả năng bị hủy niêm yết.

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019, HoSE lưu ý về việc cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có khả năng bị hủy niêm yết nếu công ty tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán năm 2023 là 3 năm liên tiếp.

Hiện, cổ phiếu HBC niêm yết trên HoSE có khối lượng 274.133.270 cổ phiếu, vốn hóa thị trường đạt hơn 2.439 tỷ đồng.

Trên thị trường, sau khi đóng cửa cao nhất 52 tuần qua ở mức 10.850 đồng/cp (phiên 1/2), cổ phiếu HBC quay đầu đi xuống. Tạm thời trong phiên sáng 5/2, cổ phiếu này đang giảm xuống quanh mức 8.370 đồngcp.

Mới nhất, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 tự lập với doanh thu 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh giúp công ty lãi gộp 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 462 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính của Xây dựng Hòa Bình đạt hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là âm gần 113 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm trong khi chi phí bán hàng tăng nhẹ. Ngoài ra, công ty còn ghi nhận khoản lỗ 32 tỷ đồng từ công ty liên kết.

Tuy nhiên, “ông lớn” ngành xây dựng này lại được hoàn nhập 223 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng. Kết quả, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 103 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ 777 tỷ đồng cả năm, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2.600 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình vẫn đang lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu giảm gần 63% so với tại đầu năm 2023 còn gần 454 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt 13.054 tỷ đồng, giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của công ty chiếm phần lớn tài sản, ở mức 8.820 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty chỉ còn 390 tỷ đồng.

Các khoản phải thu (cả ngắn và dài hạn) của công ty tại ngày cuối cùng của năm 2023 cũng giảm 20% so với đầu năm còn 8.820 tỷ đồng, chủ yếu giảm do hoạt động thu hồi công nợ từ khách hàng trong năm qua. Đây cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tổng dư nợ vay tài chính của Xây dựng Hòa Bình ở mức 4.718 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm 2023, song cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

Không chỉ ghi nhận kết quả kinh doanh kém sáng, trong thông tin mới nhất, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đang ghi nhận số tiền nợ bảo hiểm xã hội gần 40 tỷ đồng, thời gian chậm đóng là 9 tháng, đứng đầu danh sách 15.288 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên tính tới ngày 31/12/2023 của Bảo hiểm xã hội TP.HCM.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//24h/co-phieu-cua-mot-ong-lon-nganh-xay-dung-co-nguy-co-bi-huy-niem-yet-1098193.html