Cổ phiếu ngân hàng sau 3 năm: Có mã tăng hơn 186%
Sau 3 năm, cổ phiếu ngân hàng chia hai thái cực, kẻ lội ngược dòng vượt đỉnh, người giảm giá trị. Ai sẽ là cái tên đáng xuống tiền trong nửa cuối 2025...

Sau ba năm thăng trầm, nhóm cổ phiếu ngân hàng – trụ cột của thị trường chứng khoán đang phân hóa rõ nét. Trong khi LPB, STB hay CTG,.... bứt phá mạnh mẽ, thì SSB lại lao dốc không phanh. Bức tranh trái chiều ấy đặt ra câu hỏi lớn cho nhà đầu tư: Ai sẽ giữ vững phong độ và dẫn đầu đường đua trong nửa cuối năm 2025?
AI GIỮ ĐỈNH, AI TỤT DỐC SAU 3 NĂM?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, với VN-Index ngày 17/7/2025 ghi nhận mức tăng hơn 14 điểm, chính thức vượt mốc 1.490 điểm. Tuy nhiên, đằng sau sự lạc quan của chỉ số là những gam màu đậm nhạt khác nhau trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, nơi từng được xem là “xương sống” của thị trường. Khi nhìn lại chặng đường từ đầu năm 2022 đến nay, có thể thấy sự phân hóa rất rõ nhiều mã tăng mạnh, nhưng cũng có những cái tên rớt giá, đi ngược xu thế chung.
Trong cuộc đua tăng trưởng, LPB của LienVietPostBank nổi bật lên như một ngôi sao sáng khi ghi nhận mức tăng trưởng gần 186,2%. Từ mức 11.740 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022, mã này hiện đang được giao dịch ở 33.600 đồng. Dù khối lượng khớp lệnh chưa tới 4 triệu đơn vị, một con số khá khiêm tốn so với nhiều mã cùng ngành, LPB vẫn chứng minh sức hút phi thường đối với nhà đầu tư.
Ngay sau LPB, ACB của Ngân hàng Á Châu cũng không hề kém cạnh với mức tăng trưởng ấn tượng 113,3%. Cổ phiếu này đã vươn mình từ 16.130 đồng/cổ phiếu lên 34.400 đồng, khẳng định vị thế vững chắc trong nhóm dẫn đầu. Tiếp đến là TPB của TPBank, chứng kiến giá trị tăng vọt tới 90,5%, từ 22.440 đồng/cổ phiếu lên 42.750 đồng. Sức hấp dẫn của TPB còn được thể hiện qua khối lượng giao dịch lên đến hơn 19 triệu đơn vị trong phiên giao dịch hôm nay.
Tiếp nối đà tăng trưởng, nhiều ngân hàng lớn khác cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. MBB của ngân hàng MBBank thể hiện sức bật mạnh mẽ với mức tăng 52,9%, từ 17.500 đồng/cổ phiếu đầu năm 2022 lên 26.750 đồng/cổ phiếu hiện tại. STB của Sacombank cũng là một cái tên đáng chú ý khi tăng 48,6%, từ 32.100 đồng lên 47.700 đồng/cổ phiếu. Mặc dù giảm nhẹ 0,21% trong phiên hôm nay, nhưng với thanh khoản vượt 9 triệu đơn vị.
HDB của ngân hàng HDBank cũng không nằm ngoài xu hướng tăng trưởng khi tăng 48,2%, từ 16.430 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2022 lên 24.350 đồng. Một gương mặt khác đáng chú ý là CTG của ngân hàng VietinBank. Dù chỉ tăng nhẹ 0,11% trong phiên giao dịch hôm nay, CTG đã vượt qua đỉnh ba năm khi đạt 45.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 44,7% so với mức 31.100 đồng/cổ phiếu hồi đầu 2022.
Các ngân hàng "ông lớn" khác cũng góp mặt trong nhóm tăng trưởng. TCB của Techcombank hiện đang ở mức 35.150 đồng, tăng 42,4% so với 24.688 đồng hồi đầu 2022, và thanh khoản trong phiên giao dịch ngày hôm nay khá cao trên 16 triệu đơn vị. Ngay cả những cái tên thuộc nhóm vốn hóa lớn như VCB (Vietcombank) hay BID (BIDV) cũng nằm trong xu hướng tăng.
Với VCB, mức giá hiện tại là 62.200 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 39% so với mức 44.740 đồng/cổ phiếu năm 2022 và khối lượng giao dịch hôm nay đạt tới gần 10 triệu đơn vị. Khá dè dặt hơn, cổ phiếu BID của BIDV sau nhiều dao động lên xuống, đến nay cũng tăng được 39,7% so với đầu 2022, từ 27.430 đồng lên 38.300 đồng/cổ phiếu.
Cuối cùng trong nhóm tăng trưởng là EIB của Eximbank và SHB. EIB cũng tăng 11,5% giá trị, giao dịch tại 24.550 đồng, trong khi ba năm trước là 22.010 đồng/cổ phiếu. Với SHB, dù đang giao dịch sôi động với gần 67 triệu đơn vị được khớp lệnh và tăng nhẹ lên 14.300 đồng trong phiên giao dịch ngày hôm nay, nhưng so với mức 13.790 đồng đầu năm 2022, cổ phiếu này cũng chỉ tăng nhẹ 3,7% giá trị.

Trong bối cảnh đa số cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng, vẫn có những trường hợp ghi nhận sự sụt giảm. VPB của ngân hàng VPBank, dù hôm nay hồi phục nhẹ về 20.900 đồng/cổ phiếu, thì cũng giảm nhẹ so với mức 21.180 đồng/cổ phiếu của đầu năm 2022.
Thậm chí có những mã giảm sâu hơn. VIB là cổ phiếu hiếm hoi trong ngành ngân hàng giảm nhẹ, hiện giao dịch ở mức 17.050 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với 18.720 đồng/cổ phiếu cách đây ba năm. Đáng chú ý nhất là SSB (SeABank), với mức giảm mạnh nhất lên tới 23,1%, từ mức 26.010 đồng/cổ phiếu xuống còn 20.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng quan lại, bức tranh ba năm của cổ phiếu ngân hàng cho thấy sự phân hóa rõ nét, từ những "ngôi sao" bứt phá mạnh mẽ đến những trường hợp đi ngược dòng. Điều này phản ánh sự vận động phức tạp của thị trường và sức khỏe nội tại khác nhau của từng ngân hàng.
NHÀ ĐẦU TƯ NÊN ĐẶT CƯỢC VÀO AI TRONG NỬA CUỐI 2025
Theo nhận định từ MBS Research, mặc dù hệ số P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) hiện tại của ngành ngân hàng đang thấp hơn mức trung bình ba năm, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc nhóm cổ phiếu này đang có cơ hội tăng trưởng vượt trội trong ngắn hạn.
Thậm chí, công ty này đã hạ khuyến nghị toàn ngành xuống mức “trung lập”, do dự báo tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới sẽ tiếp tục giảm tốc. Ngoại trừ một số cái tên như VCB và BID đang giữ mức định giá tương đối cao, phần lớn cổ phiếu ngân hàng mà MBS theo dõi đều đang giao dịch dưới P/B trung bình ngành.
Tuy vậy, MBS vẫn giữ nguyên chiến lược đầu tư có chọn lọc với khuyến nghị mua vào các cổ phiếu như CTG, VCB và VPB. Đây là những ngân hàng được dự báo sẽ hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách kinh tế vĩ mô trong nửa cuối năm 2025, đặc biệt là các chính sách thúc đẩy đầu tư công và giải tỏa pháp lý trong lĩnh vực bất động sản.

Bảng thống kế chỉ số P/B của Công ty Chứng khoán MBS
Theo MBS, một loạt dự án trọng điểm quốc gia đang được đẩy mạnh như cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành, cùng các tuyến Vành đai 3 và 4 sẽ kích thích mạnh mẽ nhu cầu tín dụng. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2025 được kỳ vọng sẽ tăng tới 24% so với cùng kỳ, nhờ tác động từ Luật Đầu tư công sửa đổi và khung pháp lý mới về hợp tác công – tư (PPP). Trong bối cảnh đó, các ngân hàng quốc doanh, với mạng lưới rộng và khả năng tham gia vào các dự án lớn sẽ là nhóm hưởng lợi rõ rệt nhất.
Không chỉ dừng lại ở đầu tư công, kênh cho vay bất động sản cũng đang được "mở khóa" khi ba khung pháp lý mới sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2024, cùng Nghị quyết 68/2025. Những thay đổi này giúp tháo gỡ nút thắt pháp lý, thúc đẩy nguồn cung bất động sản ở cả hai miền Bắc – Nam. Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà hiện vẫn ở mức thấp do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng. MBS cho rằng, các ngân hàng tư nhân lớn, có thế mạnh trong mảng cho vay nhà ở, sẽ là bên tận dụng tốt nhất cơ hội này, vượt lên trên mặt bằng ngành.
Ở một góc nhìn khác, SSI đánh giá thị trường ngân hàng đang chứng kiến sự phân hóa ngày càng sâu sắc. Theo dữ liệu của SSI, các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của họ hiện đang giao dịch với P/B dự phóng 1 năm ở mức 1,1 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử 1,68 lần kể từ năm 2017. Nhiều cổ phiếu như VCB, BID, ACB, VPB và cả các ngân hàng nhỏ hơn đều đang nằm trong vùng định giá thấp, phản ánh tâm lý cẩn trọng của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một số mã như TCB, MBB, CTG và STB đã vượt đỉnh lịch sử, cho thấy kỳ vọng rất lớn từ thị trường về triển vọng phục hồi và khả năng thích ứng với môi trường mới. SSI cho rằng sự phân hóa này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có thay đổi chính sách, áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, cũng như ảnh hưởng từ các loại thuế đối ứng của Mỹ, yếu tố đang tác động mạnh đến ngành xuất khẩu, và theo đó là nhu cầu tín dụng trong toàn ngành ngân hàng.
Chính vì vậy, SSI ưu tiên lựa chọn những ngân hàng có chi phí vốn thấp, vì đây sẽ là lợi thế cạnh tranh cốt lõi trong bối cảnh lãi suất không còn duy trì ở mức thấp kéo dài. Các ngân hàng này sẽ có khả năng mở rộng thị phần, duy trì biên lợi nhuận (NIM) ổn định hơn so với phần còn lại.