Cổ phiếu VietJet bất ngờ tăng trần, tài sản tỷ phú Phương Thảo tiến sát 3 tỷ USD
Cổ phiếu VJC của Hãng hàng không VietJet, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch, bất ngờ tăng trần trong phiên sáng 22/7, bất chấp khối ngoại bán ròng gần 20 triệu cổ phiếu. Tài sản của bà Thảo có thể lên 3 tỷ USD.
Sáng 22/7, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán sau khi chỉ số VN-Index giảm khá mạnh hôm qua. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng hơn 6 điểm, lên 1.491 điểm, lấy lại những gì đã mất trong phiên trước đó. Giá trị giao dịch cổ phiếu trên sàn HoSE đạt gần 17.200 tỷ đồng, cao hơn khoảng 20% so với mức trung bình 20 phiên gần đây.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” tăng trở lại, cùng với sự hấp dẫn của một số cổ phiếu ngân hàng, công nghệ (FPT), hàng không (VJC) và thép (HPG),... là động lực kéo thị trường đi lên.
Điểm sáng trên thị trường chứng khoán sáng 22/7 chính là cổ phiếu VJC của Hãng hàng không VietJet, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch. Cổ phiếu này tăng trần, bất chấp khối ngoại bán rất mạnh gần 20,2 triệu đơn vị, trong khi chỉ mua vào khoảng 380.000 đơn vị trong buổi sáng. Khối lượng bán ròng gần 20 triệu đơn vị, thông qua giao dịch thỏa thuận tại mức giá 94.000 đồng/cp, với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù áp lực bán lớn đến từ khối ngoại nhưng cổ phiếu VietJet ghi nhận dư mua ở mức giá trần hơn 2,2 triệu đơn vị. Cổ phiếu VJC tăng trần 6.600 đồng, đạt mức 101.700 đồng/cp.
Trong phiên liền trước, hôm 21/7, VJC đã tăng gần 2% lên 95.100 đồng/cp, giúp tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng thêm hơn 140 triệu USD, đạt mức 2,8 tỷ USD theo ước tính của Forbes
Với phiên tăng trần 7%, tài sản của bà Thảo dự kiến tăng thêm gần 200 triệu USD, đạt khoảng 3 tỷ USD vào sáng 22/7. Bà Thảo giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam, xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng (với 11,9 tỷ USD tính đến 21/7).

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: VJC
VietJet gần đây đón nhiều thông tin tích cực. Hãng này trúng thầu hợp đồng hơn 1.500 tỷ đồng ở sân bay Long Thành, kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay tại cảng hàng không này và dự kiến khai thác vào năm 2026 đến hết ngày 31/12/2050.
Tại Techcombank Investment Summit 2025 sáng 9/7, bà Thảo cho biết các nhà đầu tư đi cùng Vietjet từ ngày niêm yết trên HoSE đã chứng kiến giá trị cổ phiếu tăng khoảng 5 lần. Còn những ai đồng hành từ thời điểm sớm hơn, khoảng 5 năm trước đó, mức tăng trưởng lên tới gần 100 lần.
Tính từ khi thành lập, Vietjet đã vận chuyển hơn 220 triệu lượt hành khách. Riêng trong năm 2024 là 28 triệu lượt khách, trong đó gần 10 triệu là hành khách quốc tế.
Vietjet cùng các công ty thành viên và đối tác trong Tập đoàn Sovico đang mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực chiến lược, với tổng vốn đề xuất cả trăm tỷ USD đến năm 2033. Hãng hàng không này đã ký kết hàng loạt hợp đồng với Boeing, General Electric (GE), Pratt & Whitney, RTX, Honeywell, SpaceX và cả Airbus.
Trong một thông báo mới đây, Công ty CP Aviation vừa báo cáo đã trở thành cổ đông lớn của VietJet sau khi mua thêm 25 triệu cổ phiếu, nâng tổng sở hữu lên 35 triệu đơn vị (tương đương 5,92% vốn).
Còn theo VJC, hãng đã chào bán 50 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 100.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu về được là hơn 4.900 tỷ đồng, trong đó, Aviation mua 25 triệu cổ phiếu. CTCP Đầu tư Dynamic & Development nắm giữ 25 triệu cp, chiếm 4,23% vốn tại VJC.
VJC tăng vốn điều lệ từ hơn 5.416 tỷ đồng lên hơn 5.916 tỷ đồng.
VJC cũng mới bổ nhiệm ông Philipp Rösler (SN 1973) - cựu Phó thủ tướng Đức gốc Việt - làm thành viên HĐQT VJC nhiệm kỳ 2022-2027.
Trong quý I, VJC ghi nhận doanh thu bán hàng hợp nhất gần 18 nghìn tỷ đồng và 836 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 24% so với cùng kỳ.
Kết thúc phiên giao dịch 22/7, chỉ số VN-Index tăng 24,49 điểm (+1,65%) lên 1.509,54 điểm, lấy vượt toàn bộ những gì đã mất trong phiên liền trước. Thanh khoản đạt gần 33,3 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE.