Cổ phiếu VND tăng trần với thanh khoản tăng vọt dù vẫn nặng gánh dự phòng nợ khó đòi nhóm Trung Nam
Phiên 25/7, dòng tiền đổ mạnh giúp cổ phiếu VND của Chứng khoán VNDirect tăng trần lên mức 21.150 đồng/cp. Khối lượng khớp lệnh đạt gần 62 triệu đơn vị, gấp đôi phiên trước đó, đồng thời đứng thứ 2 toàn thị trường.
Theo quan sát, thời gian gần đây, cổ phiếu VND có diễn biến khá tích cực, cùng với nhóm cổ phiếu chứng khoán trước khả năng nâng hạng thị trường.

Cổ phiếu VND tăng trần cùng khối lượng khớp lệnh đứng thứ 2 toàn thị trường.
Chứng khoán TCBS đánh giá triển vọng năm 2025 của VNDirect có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, thanh khoản thị trường tăng cao, kỳ vọng nâng hạng trong 9/2025.
Công ty mới thông qua việc phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng từ quý IV/2025, điều này giúp công ty mở rộng các hoạt động kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, TCBS cho rằng với mức P/E quanh 17x, cao hơn trung bình dài hạn, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi và chưa nên giải ngân ở thời điểm hiện tại.
Mặc khác, có thể thấy “sức khỏe” của VNDirect vẫn còn chưa thực sự “khỏe mạnh”. Công ty chứng khoán này vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với doanh thu hoạt động đạt 1.698 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 369 tỷ đồng, tăng 7%.
Tuy nhiên, bức tranh lũy kế 6 tháng đầu năm 2025 của VNDirect lại kém tích cực hơn. Doanh thu hoạt động 6 tháng đạt 2.956 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với cùng kỳ. Dưới áp lực chi phí, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm giảm 22%, còn 751 tỷ đồng.
Gánh nặng chính của VNDirect đến từ chi phí dự phòng. Chi phí dự phòng tài sản tài chính và xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi trong kỳ đã tăng gấp 2,3 lần, lên gần 230 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II, công ty phải trích lập dự phòng tổng cộng 342 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng 77% chỉ sau 6 tháng.
Trong đó, tổng giá trị phải thu khó đòi đối với nhóm Trung Nam cũng gây chú ý khi tăng 1.465 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 1.840 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của VNDirect ở mức 28.286,6 tỷ đồng, tăng tới 3.706,9 tỷ đồng so với đầu năm; chủ yếu là vay ngắn hạn với 26.139,2 tỷ đồng.
Hiện, VNDirect đang vay Vietcombank 7.878 tỷ đồng, Vietinbank 2.650 tỷ đồng, BIDV 2.195 tỷ đồng và 12.770 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng khác.
Về cổ phiếu đang nắm giữ, VNDirect đầu tư vào VPB 516,3 tỷ đồng và tạm lỗ 45 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty cũng giải ngân mua mới cổ phiếu thép HSG giá trị gốc 483,9 tỷ đồng và tạm lỗ 39 tỷ đồng. Hai cổ phiếu ngân hàng STB và CTG hiện không còn xuất hiện trong danh mục tự doanh của công ty.
Trong một diễn biến khác, VNDirect đã bị Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã ra quyết định khiển trách 2 lần liên tiếp trong 1 tháng do vi phạm quy định ký quỹ.
Cụ thể, trong ngày 23/6, có 15 tài khoản của nhà đầu tư không có đủ tài sản ký quỹ trên tài khoản theo yêu cầu của VSDC trước thời hạn hệ thống VSDC giám sát việc nộp ký quỹ yêu cầu.
VSDC yêu cầu VNDirect phải có trách nhiệm tăng cường việc kiểm soát hoạt động ký quỹ chứng khoán phái sinh, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành để hạn chế sai sót dẫn đến việc không có đủ tài sản ký quỹ trên tài khoản nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 17/6, công ty bị nhắc nhở do có đến 7 lần sửa lỗi sau giao dịch trong tháng 5 trên sàn HoSE. Những lỗi này thường phát sinh do nhập sai thông tin như mã cổ phiếu, số lượng, tài khoản giao dịch…, phản ánh phần nào sự thiếu chặt chẽ trong quy trình kiểm soát nghiệp vụ.