Cơ quan thẩm định và tổ chức lập quy hoạch không nhất thiết phải độc lập

Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, sáng nay, 28.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Đa số ĐBQH tán thành việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về “quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16.2.2022 của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, dự thảo Luật đã thiết kế logic, rõ ràng 9 nhóm nội dung mới so với quy định của pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan. Qua đó, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có một số nội dung mới nổi trội như: quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn theo các loại và các cấp độ quy hoạch; phân định, phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.

Nhấn mạnh, đây là sự đổi mới mạnh mẽ tư duy công tác quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Lê Hữu Trí tin tưởng, những nội dung mới này sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi thúc đẩy quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và nâng cao hiệu quả quản lý tại khu vực đô thị và nông thôn, nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Bảo đảm quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện

Nhiều ĐBQH tán thành với quy định về trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị và nông thôn tại Điều 16 dự thảo Luật. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) cho rằng, quy định tại khoản 6, khoản 9 về cơ quan tổ chức lập quy hoạch và cơ quan thẩm định phải độc lập song trên thực tế việc này rất khó thực thi. Vì vậy, đại biểu khuyến nghị, do đặc thù của quy hoạch kiến trúc nên không nhất thiết phải quy định cơ quan thẩm định và tổ chức lập quy hoạch phải độc lập.

ĐBQH Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc việc bỏ cụm từ “có thể lựa chọn đơn vị có năng lực tổ chức thực hiện” tại khoản 5, Điều 16 về việc lựa chọn đơn vị có năng lực, vì nội dung này không được quy định cụ thể sẽ rất khó thực hiện. Theo đó, quy định UBND cấp huyện giao cho cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện tổ chức thực hiện là hợp lý.

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời, để tránh chồng chéo cũng như nâng cao khả năng quản lý và lập quy hoạch của địa phương, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng đề nghị "cân nhắc chỉ phân cấp cho cấp huyện lập các cấp độ quy hoạch cho toàn bộ phạm vi địa giới hành chính cấp huyện, bao gồm: quy hoạch đô thị theo phân loại đô thị và quy hoạch nông thôn theo quy hoạch xã. Vì ở cấp xã còn khó khăn về nguồn nhân lực, trình độ, năng lực nên rất khó triển khai thực hiện”.

ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền trong xây dựng và quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn, ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ khi địa phương thực hiện điều chỉnh cục bộ có cần thiết phải xin ý kiến Bộ Xây dựng hay không? Biện pháp nào được quy định để bảo đảm quy hoạch đã được địa phương phê duyệt không bị điều chỉnh tùy tiện, phá vỡ quy hoạch dẫn đến chất lượng môi trường sống, làm việc tại đô thị và nông thôn bị suy giảm?

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua kinh nghiệm công tác, từ yêu cầu thực tiễn và lắng nghe ý kiến của cử tri, Nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào các điều, khoản cụ thể của dự thảo Luật; nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám.

T. Trung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/co-quan-tham-dinh-va-to-chuc-lap-quy-hoach-khong-nhat-thiet-phai-doc-lap-i377245/