Cơ sở băm dăm, chế biến gỗ trái phép 'mọc lên như nấm'

Những năm qua, bên cạnh các doanh nghiệp, cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 100 cơ sở băm dăm, chế biến gỗ keo trái phép, chưa được xử lý triệt để.

Tỉnh Thanh Hóa có trên 254.000ha rừng trồng, trong đó có khoảng 120.000ha rừng trồng cây keo. Theo báo cáo của Hiệp hội gỗ và lâm sản Thanh Hóa, năm 2023, xuất khẩu gỗ đạt khoảng 425 triệu USD.Toàn bộ gỗ nguyên liệu thông qua Cảng Nghi Sơn để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Những năm qua, bên cạnh các doanh nghiệp, cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 100 cơ sở băm dăm, chế biến gỗ keo trái phép, chưa được xử lý triệt để.

Trong khi số doanh nghiệp, cơ sở được cấp phép hoạt động băm dăm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay thì số hoạt động trái phép cao gấp hàng chục lần. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 cơ sở băm dăm, chế biến gỗ và lâm sản hoạt động không đúng quy định (vi phạm về quy hoạch, đất đai, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy…). Cụ thể, tại huyện Như Thanh có 31 cơ sở băm dăm, chế biến gỗ, qua kiểm tra có 17 cơ sở vi phạm… Chủ tịch UBND huyện, xã, thị trấn ban hành quyết định xử phạt, trong đó: 11 cơ sở vi phạm về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tự chuyển mục đích sử dụng đất; 11 cơ sở vi phạm về PCCC, CNCH; tổng số tiền phạt 235.600.000 đồng. Trong đó, 15 cơ sở vi phạm đã nộp tiền, số tiền 212.600.000 đồng. Tại thời điểm UBND huyện Như Thanh báo cáo, có 10/11 cơ sở đã tháo dỡ toàn bộ công trình trên diện tích đất vi phạm, 1 cơ sở đã tháo dỡ công trình trên diện tích đất vi phạm và dừng hoạt động thu mua chế biến gỗ keo. Đồng thời UBND huyện Như Thanh đã tổ chức kiểm điểm với hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 6 tập thể và 15 cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm.

Rất nhiều cơ sở hoạt động băm dăm trái phép tại Thanh Hóa đều vi phạm về sử dụng đất và phòng cháy, chữa cháy.

Rất nhiều cơ sở hoạt động băm dăm trái phép tại Thanh Hóa đều vi phạm về sử dụng đất và phòng cháy, chữa cháy.

Tương tự, tại huyện Như Xuân, theo thống kê có 33 điểm, cơ sở hoạt động thu mua, chế biến gỗ rừng trồng (trong đó: 10 doanh nghiệp, 7 cơ sở là cá nhân, hộ gia đình và 16 điểm thu mua, vận chuyển không có hoạt động chế biến). Trong đó, qua kiểm tra đối với 7 cơ sở là cá nhân, hộ gia đình có: 3 cơ sở vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, 6 cơ sở vi phạm về môi trường, PCCC; kiểm tra 10 cơ sở hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp phát hiện 3 doanh nghiệp chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư, 1 cơ sở (Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Sơn, xã Xuân Hòa) báo cáo đã có chấp thuận chủ trương đầu tư, tuy nhiên thời điểm kiểm tra cơ sở không xuất trình được hồ sơ minh chứng; 3 cơ sở chưa thực hiện đúng quy định về đất đai…

Huyện miền núi Thạch Thành có 13 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo (trong đó 5 cơ sở là doanh nghiệp, 8 cơ sở là hộ kinh doanh cá thể). Qua kiểm tra có 7 tổ chức, cá nhân vi phạm với 9 hành vi vi phạm. Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt 100 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Các chủ cơ sở vi phạm đã chấp hành nộp tiền phạt.

Báo cáo của UBND huyện Ngọc Lặc cho hay, toàn huyện có 22 cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo và lâm sản đang hoạt động. Qua kiểm tra có 13 cơ sở xây dựng trên đất ở, 5 cơ sở xây dựng trên đất nông nghiệp, đất UBND xã quản lý, 2 cơ sở đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, 2 cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất đang hoàn thiện đi vào hoạt động, có 18 cơ sở chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường, chưa có hồ sơ PCCC, an toàn lao động. Kết luận kiểm tra của UBND huyện Ngọc Lặc có 20/22 cơ sở không đủ điều kiện hoạt động.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa, một trong những nguyên nhân khó xử lý dứt điểm các cơ sở chế biến dăm trái phép là do các chủ cơ sở thế chấp ngân hàng đầu tư lớn xây dựng cơ sở chế biến, khi kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm theo pháp luật buộc tháo dỡ cơ sở chế biến tự phát, thiệt hại lớn kinh tế, nên các chủ cơ sở tìm mọi cách để trốn tránh, gây khó khăn cho công tác xử lý dứt điểm tại địa phương.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, để xảy ra tình trạng trên là do UBND các huyện, xã thực hiện chưa nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng, PCCC về chế biến lâm sản trên địa bàn; không kịp thời kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng tự phát ngay khi mới phát sinh; có nơi, có thời điểm không quản lý địa bàn để tổ chức, cá nhân đầu tư rất lớn về tiền xây dựng trái phép cơ sở chế biến keo tự phát trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp… Khi chỉ đạo kiểm tra và xử lý vi phạm đối với chủ các cơ sở vi phạm chưa dứt điểm và hiệu quả, gây bức xúc dư luận.

Mới đây, Tỉnh ủy Thanh Hóa giao ban Thường vụ Huyện ủy các địa phương có cơ sở chế biến gỗ keo khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, để tái diễn các hành vi vi phạm thì Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm. Các ngành chức năng, UBND các địa phương liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thu mua, chế biến lâm sản trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở thu mua, chế biến lâm sản vi phạm quy định về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, không đảm bảo các điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Các địa phương có các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản trái phép tăng cường nắm tình hình công tác quản lý hoạt động các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát; kịp thời chỉ đạo, xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh…

Thực tế cho thấy, các cơ sở chế biến gỗ tự phát trên địa bàn tỉnh là xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương về giải quyết nhu cầu tiêu thụ nguồn nguyên liệu keo rất lớn cho các hộ trồng rừng, chủ rừng Nhà nước. Mặt khác, vị trí đặt các cơ sở trên gần vùng keo nguyên liệu thuận lợi cho việc vận chuyển, giảm chi phí, từ đó tăng giá thành keo nguyên liệu. Đồng thời, các cơ sở này giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động, người trồng rừng; phát triển diện tích rừng trồng, tăng độ che phủ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, một số cơ sở chế biến gỗ rừng trồng có đầy đủ thủ tục hoạt động sản xuất kinh doanh có tình trạng ép giá, nợ tiền thu mua gỗ nguyên liệu dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua gỗ keo nguyên liệu trên địa bàn. Do vậy, việc quy hoạch vùng nguyên liệu, cấp phép hoạt động các cơ sở băm gỗ dăm cần được khảo sát, đánh giá một cách toàn diện, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, tránh tình trạng găm hàng, ép giá.

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giai-dap-phap-luat/co-so-bam-dam-che-bien-go-trai-phep-moc-len-nhu-nam-i734775/