Cổ tức 2025: Niềm vui chưa trọn
Trong khi nhiều nhà đầu tư đang hồ hởi chờ tiền cổ tức về tài khoản, không ít người lại thất vọng với tỷ lệ doanh nghiệp công bố, thậm chí phương án chia cổ tức còn bị bỏ ngỏ.

Làn sóng chốt quyền và chi trả cổ tức đang diễn ra sôi động trên thị trường chứng khoán
Sau mùa đại hội cổ đông thường niên 2025, nhiều doanh nghiệp đang rục rịch chi trả cổ tức theo nghị quyết đã được thông qua. Theo quy định hiện hành, việc thanh toán phải hoàn tất trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc đại hội. Do đó, làn sóng chốt quyền và chi trả cổ tức đang diễn ra sôi động trên thị trường chứng khoán, mang đến niềm vui cho các cổ đông chuẩn bị đón dòng.
Không ít doanh nghiệp đã “mở hầu bao” và mạnh tay chi trả cổ tức với tỷ lệ hấp dẫn. Điển hình như Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long (mã HLB) với tỷ lệ 110%, Công ty cổ phần Giấy Việt Trì (mã GVT) sắp trả 33%, hay Công ty cổ phần Dịch vụ biển Tân Cảng (mã TOS) với 30%…
Cổ tức vốn là vấn đề trọng yếu, được quan tâm hàng đầu trong các đại hội cổ đông. Trong khi cổ đông luôn mong muốn tối đa hóa lợi ích bằng cách đề xuất tỷ lệ chia cổ tức cao, ban lãnh đạo doanh nghiệp lại cân nhắc nhiều yếu tố, không thể đáp ứng mọi yêu cầu. Điều này dẫn đến không ít cổ đông cảm thấy không thỏa mãn với tỷ lệ cổ tức được đưa ra.
Tại đại hội cổ đông cuối tháng 6, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) trình phương án trả cổ tức năm 2024 là 7% (đã tạm ứng 2%), nhưng đại diện Công ty TNHH Năng lượng REE (sở hữu 20,16% PPC) và một số cổ đông khác lại đề nghị tăng tỷ lệ cổ tức lên 12% và hạn chế trích lập các quỹ. Lãnh đạo PPC giải thích rằng, do đặc thù là doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối (EVNGenco2 sở hữu trên 51% vốn), Công ty buộc phải tuân thủ các quy định về trích lập quỹ để đảm bảo hoạt động bền vững. Cuối cùng, tờ trình của PPC đã được thông qua với 68,28% tán thành, dù vẫn còn 31,69% cổ phần không đồng ý.
Tình huống tương tự xảy ra với Công ty cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam (mã VPD). Đại diện phần vốn góp của EVNGenco1 (sở hữu 36,65% VPD) yêu cầu tăng tỷ lệ cổ tức bằng tiền từ 16% lên 28%. Ban lãnh đạo VPD lý giải rằng, mức cổ tức 16% đã được tính toán thận trọng trên cơ sở cân đối dòng tiền thực tế, nhằm đảm bảo khả năng chi trả và duy trì hoạt động ổn định. Nếu chi trả cao hơn, Công ty có nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Ngay sau đại hội, VPD đã chi trả cổ tức còn lại cho cổ đông - tỷ lệ 2% (đầu năm 2025, Công ty đã thanh toán đợt 1, tỷ lệ 14%).
Cổ đông của Công ty cổ phần Dược phẩm OPC (OPC) thậm chí còn chưa rõ liệu có nhận được cổ tức năm nay hay không. Tại đại hội cổ đông năm 2025, Hội đồng quản trị OPC trình phương án chia cổ tức năm 2024 là 12% (5% tiền mặt và 7% cổ phiếu), nhưng vấp phải sự phản đối của không ít cổ đông, bao gồm Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (sở hữu 13,4% OPC), vì mong muốn toàn bộ cổ tức được chi trả bằng tiền mặt.
Trước sự phản đối, phương án trả cổ tức bằng tiền và cổ phiếu đã không được thông qua. Đại hội cổ đông OPC sau đó tiến hành bỏ phiếu lại, nhưng phương án chi trả toàn bộ cổ tức bằng tiền cũng không được chấp thuận. Đến nay, kế hoạch trả cổ tức năm 2024 của OPC vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI), cổ đông DB Insurance (sở hữu 37,32%) đề xuất thêm phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%, thay vì phương án không chia cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, đại hội đã không thông qua cả phương án 0% tiền mặt do Hội đồng quản trị PTI đề xuất lẫn 10% tiền mặt do cổ đông Hàn Quốc đề xuất.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/co-tuc-2025-niem-vui-chua-tron-post373367.html