Con 3 tuổi, cha mẹ Trung Quốc đã vội chạy đua thành tích

Chính sách mới về việc giảm giờ học thêm, hoạt động ngoại khóa cho trẻ em đã gây áp lực với phụ huynh ở những thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Tin chắc rằng một ngày nào đó con mình sẽ cạnh tranh tại các trường đại học tốt nhất Bắc Kinh (Trung Quốc), He Jingjing đã bắt đầu chuẩn bị từ sớm.

Khi con gái lên 3 tuổi, cô đăng ký cho bé một khóa học tại trung tâm tiếng Anh và lớp Toán trực tuyến. 2 năm sau, danh sách các lớp dạy kèm của cô bé đã tăng lên hàng chục môn học, bao gồm cả violin và đấu kiếm.

Quận Hải Điến là nơi nổi tiếng với chạy đua thành tích và áp lực con cái phải đạt điểm cao. Việc một học sinh mẫu giáo có lịch trình bận rộn như vậy là điều bình thường, theo Sixth Tone.

“Hầu hết trẻ em ở Hải Điến đều tham gia các lớp học ngoại khóa bằng cách này hay cách khác. Chúng không thể chỉ dựa vào những gì được dạy trong trường học”, He nói.

Các bậc cha mẹ ở đất nước tỷ dân đã chi hơn 619 tỷ nhân dân tệ (95,6 tỷ USD) cho việc dạy thêm vào năm 2019, theo thống kê của Macquarie Research. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2023.

 Phụ huynh xứ Trung lo lắng con cái không vào được trường tốt. Ảnh: Sixth Tone.

Phụ huynh xứ Trung lo lắng con cái không vào được trường tốt. Ảnh: Sixth Tone.

Cuộc chạy đua giáo dục

Vào mùa hè năm nay, một loạt các chính sách mới của chính phủ đã khiến cho ngành giáo dục và cuộc sống của những bậc cha mẹ như He bị đảo lộn.

Với tên gọi là “shuangjian” (tạm dịch: giảm gấp đôi), những thay đổi này nhằm mục đích giúp trẻ em từ lớp 1-9 giảm thời gian dành cho bài tập về nhà và các lớp học ngoại khóa. Đồng thời san sẻ gánh nặng chăm sóc con cái của những cặp vợ chồng Trung Quốc và thúc đẩy tỷ lệ sinh sản.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều phụ huynh nói rằng các cải cách không mang lại gì cho họ ngoài sự lo lắng. Vì số lượng lớp dạy kèm ngày càng giảm, không ít ông bố, bà mẹ đang tìm mọi cách để đảm bảo suất học cho con mình.

Đối với nhiều người, việc cắt bớt hoạt động sau giờ học không phải là một lựa chọn tốt.

Trong các cuộc phỏng vấn với gần 30 gia đình ở Thượng Hải và Bắc Kinh, Sixth Tone nhận thấy đại đa số (92%) phụ huynh sẽ tiếp tục tìm kiếm các khóa học thêm.

3/4 trong số đó nói rằng thay vì tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc nuôi dạy con cái, các chính sách lại khiến cuộc sống của họ trở nên căng thẳng hơn.

Các siêu đô thị như Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu đã được chỉ định là những thành phố đầu tiên thí điểm cải cách “shuangjian”.

 Quốc gia đông dân nhất thế giới đang nỗ lực giảm áp lực học hành cho trẻ em. Ảnh: People Visual.

Quốc gia đông dân nhất thế giới đang nỗ lực giảm áp lực học hành cho trẻ em. Ảnh: People Visual.

Chính sách mới quy định rằng dịch vụ gia sư cho các môn học chính khóa không được phép tổ chức vào cuối tuần, dịp lễ hoặc sau 21h từ thứ 2 đến thứ 6.

Trung tâm dạy thêm không sử dụng tài liệu giảng dạy nước ngoài, giáo viên ngoại quốc hoặc cung cấp lớp học trực tuyến cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Ngoài ra, những đơn vị này có thể không còn niêm yết trên thị trường chứng khoán và phải cơ cấu lại như các tổ chức phi lợi nhuận.

Khi cải cách được chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 5/2021, một số công ty giáo dục buộc phải cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng thông báo đình chỉ các lớp học hè trước khi tựu trường.

Nhiều năm trước, một nỗ lực tương tự nhằm mang lại cho trẻ em nhiều thời gian rảnh hơn, được gọi là “jianfu” (tạm dịch: giảm gánh nặng), đã thất bại sau thời gian thử nghiệm.

Nhưng với “shuangjian”, chính phủ hy vọng sẽ có hiệu quả khi được áp dụng.

Nhu cầu học thêm không giảm

Lớp học toán trực tuyến của con gái He, do gã khổng lồ công nghệ Bytedance cung cấp, đột ngột ngưng hoạt động. Công ty này tuyên bố sẽ giảm đáng kể hoạt động giáo dục và sa thải nhân viên.

Một tuần sau, Best Learning, trung tâm tiếng Anh của cô bé, cũng gọi điện và thông báo ngừng mở lớp.

“Con gái tôi đã dành 3 năm nay để học tiếng Anh từ tổ chức này nhưng nó đã đóng cửa chỉ sau một đêm. Tôi đã cố gắng kiếm một nơi thay thế cho Best Learning, nhưng chưa tìm được”, He chia sẻ.

Khi tất cả trung tâm tương tự đóng cửa trên toàn thành phố, He không biết làm thế nào để tiếp tục việc học ngoại ngữ cho con gái mình.

Tuy nhiên, bà mẹ một con vẫn sẽ kiên trì tìm lớp vì cô không muốn cô bé bị tụt lại phía sau so với các bạn cùng đồng trang lứa. Hiện cô đang cân nhắc tự dạy con ở nhà song phương án này không khả thi vì 2 vợ chồng quá bận rộn với công việc ở cơ quan.

 Các ông bố, bà mẹ vẫn kiên trì tìm lớp học thêm cho con. Ảnh: China Daily.

Các ông bố, bà mẹ vẫn kiên trì tìm lớp học thêm cho con. Ảnh: China Daily.

Cheng Yu, một bà mẹ ở Thượng Hải, cũng nhận được thông báo tương tự từ Best Learning không lâu sau đó. Cheng cho rằng con gái của cô, năm nay lên lớp 2, sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách mới. Cheng chỉ đăng ký cho con một lớp học tiếng Anh khi bé vào tiểu học.

“Tôi chưa bao giờ chuẩn bị quá kỹ cho con về mặt học tập. Tiếng Anh là môn duy nhất mà tôi đăng ký. Thế nhưng, bây giờ tôi bắt đầu lo lắng vì không biết làm sao để đảm bảo việc học của con không bị gián đoạn”, bà mẹ này cho hay.

Nhiều phụ huynh được trung tâm gọi thông báo đóng cửa và hoàn lại tiền trong khi một số khác thì không may mắn như vậy. Không ít cơ sở giáo dục đã lặng lẽ đóng cửa hoặc tìm cách níu kéo quỹ học phí bằng cách chuyển các lớp học còn lại cho những tổ chức dạy kèm khác.

Những trung tâm hàng đầu khác như Xueersi và New Oriental đã phải chuyển thời gian học thứ 7, chủ nhật sang các ngày trong tuần.

Gong Linghui, một bà mẹ ở Thượng Hải, muốn con trai 9 tuổi có thể tiếp tục học toán trực tiếp thay vì online.

Cô đã liên hệ với bộ phận hỗ trợ khách hàng và được sắp xếp một lớp cách xa nhà hơn 20 km.

 Trẻ em Trung Quốc bị đẩy vào "cuộc chiến học hành" từ khi còn nhỏ. Ảnh: Asia Post.

Trẻ em Trung Quốc bị đẩy vào "cuộc chiến học hành" từ khi còn nhỏ. Ảnh: Asia Post.

Sau khi đọc vô số bài báo về các chính sách "shuangjian' và theo dõi những cuộc thảo luận trên WeChat, Gong nghĩ rằng tất cả điều đó đã buộc phụ huynh phải cạnh tranh để có suất học thêm cho con.

“Không ai trong số những người tôi biết hủy bỏ các buổi dạy thêm ngoại khóa cho đến nay. Tôi không tin cải cách sẽ giúp giảm bớt lo lắng", Gong nói.

Con trai của Gong học tại một trường tiểu học công lập ở trung tâm thành phố Thượng Hải. Cô cho rằng việc cấm dạy thêm cuối tuần và ngày lễ sẽ mang lại lợi thế cho học sinh trường tư thục.

“Các trường tư luôn cung cấp giáo trình nâng cao cho học sinh của họ. Vì thế, học sinh công lập phải tham gia những lớp ngoại khóa để bù đắp khoảng cách này”.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc con trai Gong sẽ bận rộn từ sáng đến tối và bị cắt giảm thời gian luyện tập piano mỗi ngày.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-3-tuoi-cha-me-trung-quoc-da-voi-chay-dua-thanh-tich-post1256503.html