Công bố tình tiết sốc vụ tai nạn máy bay Air India khiến 260 người thiệt mạng

Công tắc nhiên liệu trên máy bay Air India bị ngắt ngay trước khi xảy ra tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng 260 người.

Báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn của máy bay Air India tháng trước khiến 260 thiệt mạng cho biết, nhiên liệu cho động cơ máy bay đã bị ngắt chỉ vài giây sau khi máy bay cất cánh.

Theo báo cáo, ngay sau khi cất cánh, công tắc ngắt nhiên liệu của cả 2 động cơ đã lần lượt chuyển từ vị trí "run" (chạy) sang vị trí "cutoff" (ngắt) trong vòng 1 giây. Điều này khiến nhiên liệu cho cả 2 động cơ máy bay bị ngắt, làm máy bay nhanh chóng rơi xuống ở độ cao thấp.

Camera an ninh sân bay ghi lại việc tua-bin gió khẩn cấp (ram air turbine) được triển khai, chứng tỏ rằng động cơ đã ngừng hoạt động chỉ vài giây sau khi cất cánh.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Air India khiến 260 người chết. Ảnh: UPI

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Air India khiến 260 người chết. Ảnh: UPI

Trong bản ghi âm buồng lái, 1 trong 2 phi công đã hỏi người kia tại sao lại nhấn công tắc ngắt. "Phi công còn lại trả lời rằng anh ta không làm vậy" - báo cáo cho biết.

Khoảng 10 giây sau, dòng nhiên liệu cho các động cơ được khôi phục và quá trình khởi động lại được tự động bắt đầu, nhưng không đủ thời gian để ngăn máy bay rơi.

Chỉ hơn 20 giây sau khi công tắc chuyển sang trạng thái "cutoff", 1 trong 2 phi công đã phát đi tín hiệu cấp cứu khẩn cấp "Mayday mayday mayday". Hộp đen ngừng ghi dữ liệu chỉ vài giây sau đó.

Cơ trưởng điều khiển chuyến bay là ông Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, với hơn 15.000 giờ bay và là giảng viên của Air India. Cơ phó là ông Clive Kunder, 32 tuổi, có 3.400 giờ bay.

Báo cáo sơ bộ không giải thích bằng cách nào hai công tắc này lại có thể tự động chuyển sang chế độ "cutoff" trong khi đang bay.

Các chuyên gia cho rằng việc vô tình bật các công tắc này là rất khó xảy ra đối với một phi công. Chuyên gia an toàn hàng không Mỹ Anthony Brickhouse đặt câu hỏi: “Nếu công tắc bị chuyển bởi phi công, thì tại sao lại làm vậy?”

Theo chuyên gia hàng không John Nance, hai công tắc bị chuyển cách nhau đúng một giây, thời gian đủ để phi công bật công tắc này rồi đến công tắc kia. Ông nhấn mạnh rằng phi công không bao giờ nên chuyển sang chế độ "cutoff" khi máy bay đang bay.

Chuyên gia phân tích an toàn David Soucie của CNN cho biết, các công tắc nhiên liệu này được thiết kế chỉ nhằm cho thao tác có chủ ý, các trường hợp tất cả các công tắc bị thay đổi một cách vô tình là “cực kỳ hiếm”.

“Trong suốt nhiều năm qua, các công tắc này đã được cải tiến để đảm bảo rằng sẽ không thể bị chuyển vị trí một cách vô ý và cũng không hoạt động tự động. Các công tắc này không thể tự di chuyển theo bất kỳ cách nào”, ông Soucie nói.

Việc bật sang chế độ "cutoff" gần như lập tức khiến động cơ ngừng hoạt động. Chế độ này chỉ nên dùng khi máy bay đã đến cổng tại sân bay hoặc trong một số tình huống khẩn cấp như cháy động cơ. Báo cáo không cho thấy có tình huống khẩn cấp nào cần thực hiện hành động này.

Báo cáo sơ bộ không quy trách nhiệm cho Boeing (nhà sản xuất máy bay) hay General Electric (GE) - nhà sản xuất động cơ. Cả hai công ty đều cho biết đang hợp tác đầy đủ với giới chức Ấn Độ trong quá trình điều tra.

Hãng Air India xác nhận đã nhận được báo cáo và cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với nhà chức trách trong quá trình điều tra.

Ngày 12/6, chiếc máy bay Boeing 787-8 Dreamliner mang số hiệu AI171, khởi hành từ Ahmedabad (Ấn Độ) đến sân bay Gatwick (London), đã rơi chỉ ít phút sau khi cất cánh.

Báo cáo của AAIB cho biết vụ rơi máy bay đã khiến tổng cộng 260 người thiệt mạng, trong đó có 241 hành khách và phi hành đoàn. Một số người chết dưới mặt đất là do máy bay rơi vào khu ký túc xá của một trường đại học y gần sân bay. Chỉ 1 hành khách trên chuyến bay sống sót./.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cong-bo-tinh-tiet-soc-vu-tai-nan-may-bay-air-india-khien-260-nguoi-thiet-mang.767708.html