Công bố và ra mắt đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hà Nội

Sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành vào ngày 1/3, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã, 579 đơn vị hành chính cấp xã.

Thực hiện Nghị Quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hà Nội, ngày 1/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố và ra mắt các đơn vị hành chính gồm phường Phạm Đình Hổ và phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng).

Quận Hai Bà Trưng đã sáp nhập toàn bộ 0,14 km2 diện tích tự nhiên, 4.489 người của phường Bùi Thị Xuân và 0,01 km2 diện tích tự nhiên, 642 người của phường Ngô Thì Nhậm vào phường Nguyễn Du.

Sau khi nhập, phường Nguyễn Du có 0,52 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.399 người (trụ sở UBND phường Nguyễn Du được đặt tại số 44 Trần Nhân Tông).

 Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi ra mắt đơn vị hành chính cấp phường mới Phạm Đình Hổ.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi ra mắt đơn vị hành chính cấp phường mới Phạm Đình Hổ.

Toàn bộ 0,18 km2 diện tích tự nhiên cùng 5.526 người còn lại của phường Ngô Thì Nhậm sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được nhập vào phường Phạm Đình Hổ.

Sau khi nhập, phường Phạm Đình Hổ có 0,48 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 12.611 người (trụ sở UBND phường Phạm Đình Hổ được đặt tại số 44 Trần Xuân Soạn).

Như vậy, sau sắp xếp, quận Hai Bà Trưng có 18 phường.

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao cơ quan chức năng của thành phố về mặt chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất, đảm bảo đúng hướng dẫn của Trung ương, góp phần tiếp tục làm tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị các phường tiếp tục kiện toàn tổ chức, hoàn chỉnh quy chế làm việc, duy trì mọi chế độ công tác đảm bảo ổn định; giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp phường và những người nghỉ việc do dôi dư sau sáp nhập; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan, tổ chức, công dân trong sinh hoạt và thực hiện tốt các giao dịch hành chính, dân sự bình thường...

Ngoài ra, các sở, ban, ngành của Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền của quận Hai Bà Trưng để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn phát sinh khi đơn vị hành chính mới hoạt động, nhất là việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động giao dịch của tổ chức, công dân.

Theo ông Lê Việt Hùng, Bí thư phường Phạm Đình Hổ, ngày đầu tiên sau khi sáp nhập, lãnh đạo phường sẽ bố trí ngay các vị trí công tác, đảm bảo các thủ tục, giấy tờ liên quan để công dân được phục vụ một cách tốt nhất.

Đặc biệt, phường sẽ bổ sung, ban hành ngay quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức có liên quan đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và hiệu quả; đồng thời rà soát, sắp xếp, bố trí nơi làm việc, trang thiết bị cho cán bộ, công chức phù hợp với thực tế, đảm bảo thông suốt hoạt động chỉ đạo, điều hành, thực thi pháp luật trong quản lý nhà nước ở địa phương.

Theo Nghị Quyết 895/NQ-UBTVQH 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Hà Nội, tại huyện Phúc Thọ đã thành lập xã Xuân Đình trên cơ sở nhập toàn bộ xã Cẩm Đình và xã Xuân Phú; thành lập xã Sen Phương trên cơ sở nhập toàn bộ xã Phương Độ và toàn bộ xã Sen Chiểu; thành lập xã Nam Tiến trên cơ sở nhập toàn bộ xã Thụy Phú và toàn bộ xã Văn Nhân.

Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành vào ngày 1/3, thành phố Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã; 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn.

Theo Nguyễn Hoàng/TTXVN

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cong-bo-va-ra-mat-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-thuoc-thanh-pho-ha-noi-post1053781.html