Công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động đấu giá tài sản

Ngày 29/6/2024 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới tích cực, được đánh giá sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan. Tại Thanh Hóa, qua 6 tháng các quy định mới của luật được áp dụng trong thực tiễn, công tác đấu giá tài sản ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả.

Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Hoằng Tân (nay là xã Hoằng Lộc).

Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Hoằng Tân (nay là xã Hoằng Lộc).

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, trên địa bàn tỉnh hiện có 39 tổ chức đấu giá tài sản đang hoạt động, trong đó có 38 công ty, 4 chi nhánh, 1 trung tâm đấu giá tài sản với 49 đấu giá viên. Công tác đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá và trong tổ chức các cuộc đấu giá tài sản. Năm 2024, các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đã tổ chức 552 cuộc, trong đó tổ chức đấu giá thành 373 cuộc; giá khởi điểm 4.800 tỷ đồng; giá bán 6.600 tỷ đồng; thu thù lao dịch vụ đấu giá gần 18 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2,0 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2025 các tổ chức hành nghề đấu giá đã tổ chức nhiều cuộc đấu giá tài sản, tỷ lệ đấu giá thành công chiếm tỷ lệ cao, giá trúng đấu giá cao hơn, thậm chí có những cuộc đấu giá có giá trúng cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, trong đó có các cuộc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất, góp phần tăng thu ngân sách, đóng góp tích cực vào việc đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đối với công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành để tham mưu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu giá tài sản theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn các địa phương lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 9 phương án đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật đấu giá tài sản; thẩm định hồ sơ và cấp lại giấy đăng ký hoạt động cho 9 công ty đấu giá; thu hồi đăng ký hành nghề đấu giá tài sản 1 trường hợp.

Đặc biệt, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản, trọng tâm là công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Sở Tư pháp thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Kiểm tra tổ chức và hoạt động các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Đồng thời, có các công văn hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất; công khai, minh bạch, công bằng, khách quan trong việc tổ chức đấu giá tài sản; không đặt thêm các điều kiện để gây cản trở, khó khăn cho người tham gia đấu giá; thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục về bán đấu giá tài sản, đặc biệt trong việc tổ chức bán hồ sơ tham gia đấu giá, thu và xử lý tiền đặt trước, việc xem tài sản đấu giá, tổ chức phiên đấu giá.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Đức Anh, cho rằng, hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh được xã hội hóa và ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Đặc biệt, từ ngày 1/1/2025 nhiều quy định mới về thời gian, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo hướng chặt chẽ, công khai, minh bạch, đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để tổ chức hành nghề đấu giá có căn cứ để thực hiện.

Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất được tổ chức vào tháng 5/2025 tại phường Quảng Đông (nay là phường Quảng Phú). Ảnh: Minh họa

Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất được tổ chức vào tháng 5/2025 tại phường Quảng Đông (nay là phường Quảng Phú). Ảnh: Minh họa

Đơn cử, việc thay đổi quy định về thời gian bán hồ sơ, thu hồ sơ, thu tiền đặt trước đã tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề đấu giá trong việc rà soát, thống kê hồ sơ, khách hàng tham gia, nhất là trong những cuộc đấu giá có số lượng khách hàng tham gia đông. Luật mới cũng quy định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong việc xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá và thông báo cho tổ chức hành nghề đấu giá danh sách người đáp ứng yêu cầu tham gia đấu giá. Quy định cụ thể này cũng sẽ góp phần ràng buộc trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, tổ chức hành nghề đấu giá, đấu giá viên và tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá.

Trong hoạt động đấu giá tài sản, việc đảm bảo tính công khai, minh bạch và khách quan là vô cùng quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan và duy trì sự tin tưởng vào quá trình đấu giá. Bà Nguyễn Ngọc Linh Chi, Giám đốc điều hành Công ty Đấu giá hợp danh Nhất An Phú - Chi nhánh Thanh Hóa, cho rằng: Để minh bạch hoạt động đấu giá tài sản, cần công khai, khách quan trong việc lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá, lựa chọn những đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm để các phiên đấu giá được tổ chức thành công. Các đơn vị đấu giá khi được lựa chọn tham gia cần xây dựng phương án tổ chức thực hiện, phương án an ninh trật tự, phương án ngăn ngừa, hạn chế vi phạm. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đồng hành, phối hợp với đơn vị đấu giá để tổ chức phiên đấu giá thành công. Nghiên cứu, có chế tài đối với các trường hợp vào phiên đấu giá không nhằm mục đích đấu giá mà vì mục đích vụ lợi khác.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/cong-khai-minh-bach-khach-quan-trong-hoat-dong-dau-gia-tai-san-254445.htm