Công nghệ định hướng giáo dục nghề

Mạng lưới cơ sở dạy nghề của Việt Nam vẫn như chiếc áo ngũ sắc, không ít miếng vá víu từ mảnh vải cũ, hàm ý tính đồng bộ của các trường dạy nghề phải được thay đổi.

Trong 30 năm trở lại đây, việc gia tăng dân số và lực lượng lao động đã là một động lực quan trọng, đóng góp to lớn vào thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách thực tế rằng kể từ năm 2013, quy mô lao động của Việt Nam đã bắt đầu tới hạn so với quy mô của nền kinh tế.

Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, khi các điều kiện khác không thay đổi thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy năng suất lao động vượt trội, tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Do đó, tăng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề là nhân tố quyết định, trong đó sự đồng hành của doanh nghiệp vào quá trình này mới mong tạo đột phá. Đáng chú ý, trong 2 năm trở lại đây, lĩnh vực dạy nghề đã tạo ra những thay đổi lớn, trong số 130 nghề chính, đã có 40 trường nghề trọng điểm, chất lượng cao. Nhiều trường nghề đã quan tâm đến đào tạo số và tự động hóa, đào tạo theo giáo trình đạt chuẩn kiểm định của Ôxtraylia, Nhật Bản, Đức. Chính vì thế học viên của trường nghề hiện nay ra trường là có việc làm toàn bộ, chiếm tới 85%.

Bên cạnh hệ thống các trường đào tạo nghề đảm bảo chuẩn quốc tế thì nhiều tập đoàn tư nhân lớn ở trong nước cũng đã tham gia sâu vào đào tạo nhân lực có tay nghề và chất lượng cao ở những ngành đặc thù như kỹ sư ô tô của Thaco, phi công và thợ máy bay của VinGroup, Vietjet… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Samsung có trường đào tạo nghề riêng của mình, có thể đào tạo đến vài trăm nghìn lao động…

Song, cuộc cách mạng lần thứ 4, với công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo lên ngôi, nếu Việt Nam không thay đổi đặc biệt với những ngành nghề thâm dụng lao động như dệt may, da giày, cơ khí và điện tử thì sẽ bị tụt hậu. Điều khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn lo lắng và cũng chính là những khiếm khuyết của giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Đó là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung ở Việt Nam còn thấp, cơ cấu lao động, xu hướng chuyển dịch còn bất hợp lý, vẫn phổ biến trường hợp thiếu cả thầy giỏi thiếu cả thợ giỏi, nên chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Mạng lưới cơ sở dạy nghề của Việt Nam vẫn như chiếc áo ngũ sắc, không ít miếng vá víu từ mảnh vải cũ, hàm ý tính đồng bộ của các trường dạy nghề phải được thay đổi. Dù có số lao động đứng thứ 3 trong ASEAN nhưng lực lượng lao động Việt Nam, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt trên 22%, chỉ bằng 1/3 của Hàn Quốc và Singapore. Và cũng chưa lọt được vào top 50 thế giới về đào tạo nghề. Hiện Việt Nam có khoảng 55 triệu lao động , nhưng mới chỉ có 24% qua đào tạo, 35% đang làm ở khu vực nông nghiệp, vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động tới đây sẽ phải đào tạo lại.

Để “thỏa mãn” khát vọng nghề nghiệp của cộng đồng người Việt, Thủ tướng đề cao sự gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp phải ngày càng chặt chẽ hơn, có như vậy Việt Nam mới thăng tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng vào cuộc. Trước hết, Thủ tướng giao Bộ LĐ–TB&XH đề xuất một hiệp ước xã hội về đào tạo nghề, tạo cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm để gắn kết nội dung, chất lượng đào tạo nhân lực kỹ năng cao với nhu cầu thị trường và nền kinh tế. Song song với đó, sẽ có một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp.

Tú Oanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cong-nghe-dinh-huong-giao-duc-nghe-94932.html