Công nghệ nội địa và bài toán tận dụng phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả
Với hàng trăm triệu tấn phụ phẩm mỗi năm, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để chuyển hóa 'rác thải' thành những sản phẩm giá trị cao, từ nhiên liệu sinh học, nhựa phân hủy đến mỹ phẩm. Sự chủ động của doanh nghiệp và các giải pháp công nghệ nội địa đang mở ra con đường tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận và giảm tác động môi trường.
Khai mở kho tài nguyên 'ẩn mình'
Mỗi năm, nền nông nghiệp Việt Nam sản sinh hàng trăm triệu tấn phụ phẩm – từ rơm rạ, vỏ trấu, bã mía cho đến phụ phẩm thủy sản. Phần lớn trong số đó bị bỏ lại trên đồng ruộng hoặc xử lý thủ công, gây lãng phí lớn và tác động tiêu cực tới môi trường. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, chính những phụ phẩm này lại trở thành nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD, từ sản xuất phân bón, nhiên liệu sinh học đến mỹ phẩm và y tế. Vấn đề không nằm ở tiềm năng, mà là công nghệ. Muốn biến "rác thải" thành tài nguyên, nông nghiệp Việt Nam cần một cú hích mạnh mẽ từ công nghệ trong nước – những giải pháp vừa phù hợp điều kiện thực tế, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Nhìn nhận về nguồn tài nguyên "ẩn mình" này, PGS.TS Đào Thế Anh, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết:
"Phụ phẩm nông nghiệp từ các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đạt tổng sản lượng khoảng 156,8 triệu tấn mỗi năm. Đây là khối lượng rất lớn, nhưng hiện chỉ khoảng 30% được tận dụng. Do đó, không nên xem đây là phụ phẩm mà là một nguồn tài nguyên cần được khai thác hiệu quả, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường. Hiện nay, dù có nhiều công nghệ tiên tiến, nhưng phần lớn công nghệ từ nước ngoài có chi phí cao, khó áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, cần phổ biến khoa học công nghệ trong nước trên diện rộng, đặc biệt cho các hợp tác xã và hộ nông dân."

PGS.TS Đào Thế Anh: Cần cho phép các địa phương thực hiện thử nghiệm các sáng kiến ở quy mô cấp tỉnh.
Công nghệ nội địa – Lời giải cho bài toán chi phí
Thực tiễn đã cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ nội địa, từng bước giải bài toán chi phí và tính ứng dụng. Thời gian qua, nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ sinh học, cơ khí chế tạo đã phát triển thành công dây chuyền xử lý phụ phẩm với chi phí chỉ bằng 40-50% so với công nghệ nhập khẩu.
Các mô hình tiêu biểu có thể kể đến như hệ thống xử lý phân chăn nuôi thành khí sinh học (biogas) hay quy trình sản xuất viên nén từ mùn cưa, giúp giảm đáng kể chi phí năng lượng cho các trang trại. Nhiều startup còn táo bạo khai thác các ý tưởng mới: biến vỏ trấu thành pin sinh học, tận dụng phụ phẩm thủy sản sản xuất nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn.
Những bước đi này theo nhận định của PGS.TS Đào Thế Anh, không chỉ góp phần giảm ô nhiễm, mà còn mở ra thị trường xuất khẩu sản phẩm xanh – một lĩnh vực đang được quốc tế quan tâm và có giá trị thương mại cao:
"Hiện nay, theo Luật Khoa học và Công nghệ mới, các địa phương sẽ được bố trí ngân sách riêng để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo vào thực tiễn. Đối với doanh nghiệp, chúng tôi kiến nghị cần có cơ chế linh hoạt cho các hoạt động này, vì đây là lĩnh vực mới, nhiều sản phẩm sáng tạo hiện chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể và việc xây dựng tiêu chuẩn sẽ cần thời gian. Do đó, cần cho phép các địa phương thực hiện thử nghiệm các sáng kiến ở quy mô cấp tỉnh, từ đó thúc đẩy ứng dụng đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương."
Chính sách thử nghiệm – Đòn bẩy cho đổi mới sáng tạo
Biến phụ phẩm thành tài nguyên chính là chìa khóa thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Những mô hình công nghệ nội địa với chi phí thấp đang chứng minh hiệu quả, nhưng để nhân rộng, cần sự hỗ trợ chính sách kịp thời và cơ chế thử nghiệm sáng kiến ngay tại địa phương. Khi doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân cùng chung tay, những dòng phụ phẩm tưởng chừng bỏ đi sẽ trở thành giá trị kinh tế mới, vừa tạo thêm nguồn thu, vừa giảm thiểu tác động môi trường. Đây là hướng đi tất yếu để nông nghiệp Việt Nam tiến gần hơn với tiêu chuẩn xanh toàn cầu.