Công nghiệp tăng tốc

tăng tốc, bứt phá,Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII,Công nghiệp,Công ty TNHH Thành Sơn,phường Hà Giang 1,chè Shan tuyết

Năm 2025 được xác định là năm “tăng tốc, bứt phá” để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trên tinh thần hành động của Chính phủ “Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tinh gọn, hiệu quả; tăng tốc, bứt phá”, ngành Công nghiệp của tỉnh đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn lên bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản và quyết liệt.

Công ty TNHH Thành Sơn (phường Hà Giang 1) giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm chiết suất từ chè Shan tuyết. Ảnh: Hải Anh

Công ty TNHH Thành Sơn (phường Hà Giang 1) giới thiệu sản phẩm mỹ phẩm chiết suất từ chè Shan tuyết. Ảnh: Hải Anh

Tăng tốc từ nền móng vững chắc

Ngay từ những ngày đầu năm 2025, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng để không chỉ định hướng cụ thể nhiệm vụ, phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương, mà còn thể hiện tinh thần hành động khẩn trương, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng.

Mặc dù đối diện nhiều khó khăn, nhất là thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thực hiện sáp nhập tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhưng tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 9,01%; với quyết tâm cao, tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu lên tới 10,05%. Đóng góp vào mục tiêu đó, trong 6 tháng đầu năm, ngành Công nghiệp đạt kết quả tăng trưởng thực sự nổi bật: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 13.727,1 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), đạt 49,6% kế hoạch, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực như điện thương phẩm, thép, xi măng, bột barit, giấy in viết… tăng mạnh, góp phần khẳng định vai trò then chốt của ngành Công nghiệp trong tăng trưởng kinh tế.

Riêng trong tháng 6/2025, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Hà Giang (cũ) tăng 42,04% so với tháng trước; tăng 10,7% so với tháng cùng kỳ; ước chỉ số cộng dồn 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,93% so với cùng kỳ. Theo đó, chỉ số sản xuất của các ngành: Công nghiệp khai khoáng so với tháng trước tăng 43,76%; chỉ số cộng dồn 6 tháng đầu năm tăng 14,5% so với cùng kỳ. Sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,92% so với tháng cùng kỳ; chỉ số cộng dồn 6 tháng đầu năm tăng 14,07% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt so với tháng cùng kỳ tăng 13,37%; chỉ số cộng dồn 6 tháng đầu năm tăng 4,22% so với cùng kỳ.

Hướng tới phát triển nhanh, bền vững

Để tạo đà tăng tốc các mục tiêu tăng trưởng mới của ngành Công nghiệp, hàng loạt dự án trọng điểm đang được tỉnh thúc đẩy đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp Xuân Vân, An Hòa - Long Bình An và cụm Phúc Ứng 2 đang được đẩy nhanh tiến độ. Các dự án công nghiệp lớn được thúc đẩy mạnh mẽ, như: Nhà máy điện sinh khối 50MW của Công ty Cổ phần Erex Tuyên Quang (Nhật Bản) với vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng; dự án Nhà máy thủy điện Yên Sơn công suất 90MW, cùng nhiều nhà máy chế biến nông - lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may công nghệ cao… đều đang đi đúng lộ trình, hứa hẹn tạo thêm động lực tăng trưởng mới.

Không chỉ dừng lại ở phát triển công nghiệp truyền thống, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục đầu tư, tạo quỹ đất sạch, giúp cho những “nút thắt” trước đây nay được giải quyết đồng bộ, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, chặng đường tăng tốc của ngành Công nghiệp đang đối mặt nhiều thách thức khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng; tiến độ thành lập khu, cụm công nghiệp còn chậm; nhiều dự án bị ảnh hưởng bởi khó khăn trong thu hồi đất, giao đất, giải phóng mặt bằng…

Tháo gỡ vướng mắc, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt trên 16,7% so với năm 2024. Hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, tỉnh tập trung các giải pháp chiến lược như: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp (Nhữ Khê, Ninh Lai, Xuân Vân…); cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nhất là đối với các dự án công nghiệp sạch, công nghiệp năng lượng tái tạo; thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm như nhà máy viên gỗ nén, nhà máy may LGG3, nhà máy giày Kiến Xương Tuyên Quang... sẽ là cú huých lớn để ngành công nghiệp Tuyên Quang bứt phá trong giai đoạn tới.

Với định hướng đúng, hành động quyết liệt và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp tỉnh Tuyên Quang đang từng ngày hiện thực hóa khát vọng “tăng tốc - bứt phá - phát triển bền vững”, trở thành một trong những trụ cột quan trọng đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và toàn diện.

Kim Tiến

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/cong-nghiep/202507/cong-nghiep-tang-toc-f9a568d/