Công tác dân vận ở Đoàn 326

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326, Quân khu 2, có nhiệm vụ thực hiện công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, giữ vững thế trận lòng dân trên địa bàn chiến lược; triển khai các công trình dự án, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo Quân khu 2 kiểm tra mô hình chăn nuôi tại Đoàn 326. Ảnh: Quốc Trị (CTV)

Lãnh đạo Quân khu 2 kiểm tra mô hình chăn nuôi tại Đoàn 326. Ảnh: Quốc Trị (CTV)

Đại tá Trần Quốc Trị, Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Đoàn 326), thông tin: Trong quá trình phát triển của đơn vị cũng như của địa phương, công tác dân vận có vai trò quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo sự đoàn kết giữa nhân dân và quân đội. Một trong những hoạt động quan trọng của Đoàn 326 là tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - quốc phòng. Đoàn đã tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, giao lưu với cộng đồng, giúp mọi người hiểu rõ về những lợi ích và tầm quan trọng của sự phát triển kinh tế - quốc phòng. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Lãnh đạo Quân khu 2 kiểm tra mô hình nuôi bò của Đoàn 326. Ảnh: Quốc Trị (CTV)

Lãnh đạo Quân khu 2 kiểm tra mô hình nuôi bò của Đoàn 326. Ảnh: Quốc Trị (CTV)

Hơn 20 năm qua, Đoàn đã thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Đoàn 326 với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong vùng dự án. Hằng năm, đơn vị tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch phối hợp và triển khai thực hiện công tác dân vận. Chỉ đạo các Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị cử cán bộ, nhân viên về cơ sở nắm tình hình địa bàn, tình hình nhân dân; tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế biên giới, tích cực tham gia phát triển kinh tê - xã hội, xây dựng nông thôn mới và thực hiện nếp sống văn hóa.

Mô hình nhà sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời của Đoàn 326.

Mô hình nhà sấy nông sản bằng năng lượng mặt trời của Đoàn 326.

Cùng với đó, Đoàn 326 đã trực tiếp giúp các tổ chức chính trị, như: Chi bộ, chi đoàn, hội phụ nữ, hội nông dân ở các bản nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là các bản biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trọng tâm là phát hiện, bồi dưỡng nguồn kết nạp đảng viên mới, xóa bản không đảng viên, xây dựng chi bộ có cấp ủy; xây dựng và duy trì lực lượng cảm tình viên hoạt động có chất lượng, hiệu quả.

Trong 20 năm, Đoàn đã cử trên 7.000 lượt cán bộ, nhân viên về xã, bản, cụm dân cư nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tình hình nhân dân; tổ chức 130 buổi tuyên truyền cho 11.000 lượt người. Trực tiếp giúp 108 tổ chức chính trị - xã hội nâng cao chất lượng hoạt động; giúp bồi dưỡng, kết nạp 59 đảng viên mới; giúp 302 hộ thực hiện một số nội dung thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều; giúp 87 bản thực hiện từ 1 đến 2 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Đoàn đã tham gia trên 10 nghìn ngày công, hỗ trợ hơn 100 triệu đồng giúp dân làm đường giao thông, mương phai thủy lợi và các công trình phúc lợi, đường, nước sạch...; vận động, giới thiệu 184 thanh niên các bản vùng cao đi làm tại các khu công nghiệp, với thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng.

Cán bộ Đoàn 326 giới thiệu mô hình bơm va đưa nước lên cao.

Cán bộ Đoàn 326 giới thiệu mô hình bơm va đưa nước lên cao.

Thực hiện xây dựng các mô hình điểm về kinh tế tại Đoàn bộ, Xí nghiệp 26, các Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị để rút kinh nghiệm và phổ biến nhân rộng ở địa phương. Tuyên truyền, vận động nhân dân học tập, làm theo phương thức nuôi trồng, canh tác đạt hiệu quả. Đặc biệt, mô hình bơm va đưa nước lên cao không dùng điện hay nhiên liệu giúp việc canh tác và trồng cây ăn quả trên đất dốc bền vững, hiệu quả hơn. Các mô hình chế biến thức ăn gia súc, gia cầm phục vụ chăn nuôi khép kín và một số sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong nhân dân

Bên cạnh đó, từng bước liên kết với các đơn vị đưa khoa học kỹ thuật vào vùng sản xuất và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Khảo nghiệm một số giống dược liệu và trồng rừng, làm cơ sở để nhân rộng mô hình. Bước đầu xác định phương thức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng và hình thành cơ chế quản lý phù hợp.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, đánh giá: Đoàn 326 đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án kinh tế - quốc phòng được phê duyệt và bố trí vốn. Trong 20 năm, đã hoàn thành 3 công trình đường giao thông, với tổng chiều dài là 47,5 km, trị giá gần 45 tỷ đồng; 4 công trình lớp học, nhà công vụ, nhà văn hóa, trị giá gần 4 tỷ đồng; dự án trồng rừng phòng hộ 233 ha tại các xã Mường Và, Mường Lạn, trị giá trên 3,8 tỷ đồng; các công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt cho nhân dân...

Đoàn đã tiếp nhận, quản lý, tập huấn, giao nhiệm vụ cho trí thức trẻ tình nguyện tham gia xóa mù chữ, tư vấn, hướng dẫn giúp đồng bào áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Theo đó, lực lượng tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn đã tham gia 300 ngày công giúp 120 hộ thu hoạch hoa màu...; tham gia dạy 15 lớp xóa mù chữ cho 479 người dân.

Đoàn 326 đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án mỗi năm từ 4-5%, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa biên giới. Công tác dân vận ở Đoàn 326 đã tạo nên sự gắn kết và phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện Sốp Cộp.

Huyền Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/quoc-phong/cong-tac-dan-van-o-doan-326-iEJoINl4R.html