Công tác thống kê cần chuyển biến trong nhận thức và hành động

Tại Hội nghị Thống kê toàn quốc diễn ra vào sáng nay (17/3), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các cấp chính quyền phải nâng cao hơn nữa nhận thức về vài trò của công tác thống kê.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thống kê, cũng như tác động ảnh hưởng của hoạt động thống kê với kinh tế - xã hội đất nước.

Theo Thủ tướng, tại Việt Nam, cơ quan thống kê quốc gia được thành lập sớm, với bề dày truyền thống hơn 70 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”. Người xưa cũng tổng kết “nói có sách, mách có chứng”, ngày nay, công tác thống kê với những “con số biết nói” có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong việc hoạch định chính sách.

Báo cáo về những thành tựu của ngành Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng của hệ thống thống kê Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và nhân dân, ngành thống kê đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bao gồm: Hệ thống các văn bản về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và triển khai có hiệu quả. Minh chứng cho điều này chính là việc Luật Thống kê đã 3 lần được xây dựng và sửa đổi, các nghị định triển khai Luật Thống kê được ban hành ngay sau đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động thống kê được thông suốt.

Mô hình tổ chức thống kê được kiện toàn từ trung ương đến địa phương; tổ chức thống kê tại một số bộ, ngành, địa phương được hình thành và dần củng cố. Trình độ, năng lực của người làm công tác thống kê ngày càng nâng cao, đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn thống kê. Trên 95% công chức, viên chức công tác trong hệ thống thống kê có trình độ đại học trở lên. Nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê. Nhờ đó, hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu, thống kê nhà nước cũng đảm bảo thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế;…

Đồng tình với những đóng góp tích cực của ngành Thống kê trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ngành thống kê đã cơ bản hoàn thành vai trò "là tai, là mắt", thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp thì ngành Thống kê vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nhận thức ở các cấp chính quyền, đặc biệt là của người đứng đầu, nhìn chung còn chưa xứng tầm vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê. Đầu tư cho công tác thống kê còn chưa tương xứng. Nhân lực làm công tác thống kê chưa được coi trọng. Sự phối hợp của các cơ quan còn hạn chế. Việc phân tích, đánh giá, sử dụng số liệu thống kê chưa có hiệu quả cao. Cải cách hành chính, chuyển đổi số còn chậm dù đã được chỉ đạo rất quyết liệt.

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cấp, chính quyền phải nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác thống kê

Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cấp, chính quyền phải nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác thống kê

Nói về những hạn chế của ngành Thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, công tác thống kê thời gian qua còn nhiều hạn chế, như: Chưa có một cơ sở dữ liệu tập trung, ứng dụng công nghệ thông tin thiếu đồng bộ, sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu từ bộ, ngành địa phương cho Tổng cục Thống kê còn chưa hiệu quả; công tác thống kê của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự được quan tâm, dẫn đến thiếu thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội.

Dự báo về tình hình năm 2022, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, chúng ta tiếp tục thực hiện "đa mục tiêu", thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi nhanh và phát triển bền vững về kinh tế-xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế...

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Thống kê phải tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, như: Nâng cao nhận thức về thống kê, đặc biệt là người đứng đầu ở các cấp chính quyền. Theo đó, thống kê phải toàn diện, đầy đủ, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, phải được lưu trữ và công tác thống kê phải hội nhập. ngành Thống kê cũng cần làm tốt hơn nữa công tác phân tích số liệu để đánh giá sát tình hình và sử dụng số liệu, phân tích đó có hiệu quả. Đồng thời, phải đầu tư hơn nữa cho công tác lãnh đạo chỉ đạo trong lĩnh vực thống kê, người đứng đầu các cấp chính quyền phải trực tiếp chỉ đạo công tác thống kê để có dữ liệu, số liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, "nói có sách, mách có chứng".

Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành Thống kê cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng bộ máy hiệu lực hiệu quả gắn với xây dựng vị trí việc làm. Công tác đầu tư phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; đầu tư hơn nữa cho chuyển đổi số, xây dựng các nền tảng dùng chung; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng, trình ban hành nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng để thi hành Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cấp, các ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng…

Với quyết tâm xây dựng một bộ máy thống kê vững mạnh, cung cấp thông tin hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung, tiến tới đến năm 2030 thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới như mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trường Nguyễn Chí Dũng mong muốn, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đồng chí làm công tác thống kê tại các đơn vị cần đánh giá một cách khách quan những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập trong công tác thống kê, tìm nguyên nhân, hướng khắc phục của những hạn chế đó. Từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê tập trung.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-tac-thong-ke-can-chuyen-bien-trong-nhan-thuc-va-hanh-dong-173426.html