Công trình xanh - vì sao ít ỏi?

Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện vào khoảng giai đoạn những năm 2005 - 2010. Sau hơn 15 năm phát triển, cả nước hiện có khoảng 300 công trình xanh (chung cư, bệnh viện, trường học, nhà xưởng) với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu mét vuông sàn xây dựng. Một phần ba số công trình xanh tập trung ở hai 'đầu tàu kinh tế' là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Trong một sự kiện gần đây về phát triển công trình xanh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, 300 công trình xanh hiện có là con số quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.

Có nhiều lý do dẫn đến kết quả khiêm tốn này. Đầu tiên, cơ sở pháp lý của công trình xanh cũng như cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển công trình xanh còn yếu và thiếu. Ví dụ, cụm từ “công trình xanh” không xuất hiện trong Luật Bảo vệ môi trường dù hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Hoặc, việc xây dựng danh mục phân loại xanh gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường cụ thể là cần thiết đối với các tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan để quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, đến nay tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh vẫn chưa được ban hành.

Tiếp cận và bảo đảm nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh hiện vẫn là khó khăn rất lớn. Nhiều tổ chức tài chính quốc tế có chính sách tín dụng xanh - cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường. Tuy nhiên, hầu hết các gói giải ngân đều dành cho các chủ đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, rất ít chủ đầu tư của Việt Nam đáp ứng được tiêu chí cho vay của các tổ chức này. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật này cũng đã quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, nguồn vốn, lãi suất thấp đối với các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng tiết kiệm năng lượng. Vậy nhưng, thực tế tổng kết triển khai Luật này cho thấy, chủ doanh nghiệp, công trình tiết kiệm năng lượng khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, hoặc khó tiếp cận với cơ chế tín dụng ưu đãi của nhà nước.

Ngoài ra, việc phát triển công trình xanh còn phải đối diện với những thách thức như: thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh; chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình…

Các thành phố trên thế giới chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển. Vì thế, công trình xanh được xem như một “vũ khí” chống lại biến đổi khí hậu. Trên thế giới, công trình xanh phát triển từ những năm 1990 rồi dần trở thành phong trào ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đã cam kết đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng là quốc gia chịu tổn thương nặng nề của biến đổi khí hậu nên không thể đứng ngoài xu hướng này. Do vậy, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công trình xanh và xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển công trình xanh cần được xếp là nhiệm vụ ưu tiên. Như vậy, quá trình đô thị hóa không chỉ có lợi cho người dân trong hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai và môi trường tự nhiên; đồng thời, giúp Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu Net Zero đã cam kết với thế giới.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/cong-trinh-xanh---vi-sao-it-oi-i344219/