Cử tri đề nghị giám sát đóng BHXH cho người lao động

Theo cử tri TPHCM, thời gian qua có nhiều người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội vì doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng và tuyên bố phá sản. Điều này gây ra sự hoang mang cho người lao động, làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Mối quan tâm này được nhiều cử tri nêu tại buổi tiếp xúc cử tri của tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 9, sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, ngày 3/7.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Tô Phương Uyên (quận 4) cho biết, Kỳ họp thứ 7 vừa rồi Quốc hội đã thông qua các dự thảo luật và nghị quyết để áp dụng trong thời gian tới, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được áp dụng thì cần xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Theo bà Uyên, thời gian qua có nhiều người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu không được hưởng trợ cấp BHXH vì doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng và tuyên bố phá sản. Điều này gây ra sự hoang mang cho người lao động, làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.

“Khi luật có hiệu lực, đề nghị Quốc hội có cách giám sát và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc việc đóng BHXH cho người lao động”, cử tri Phương Uyên kiến nghị.

Cử tri TPHCM nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Ngô Tùng)

Cử tri TPHCM nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Ngô Tùng)

Trốn đóng BHXH có thể bị phạt tù đến 7 năm

Trao đổi về điều này, sau khi dẫn các cơ sở pháp lý quy định việc bảo vệ quyền lợi người lao động, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó giám đốc BHXH TPHCM, cho hay, trốn đóng bảo hiểm sẽ bị phạt hành chính tối đa đến 75 triệu đồng.

Đối với hình thức xử lý hình sự, các tổ chức, đơn vị trốn đóng thì có thể bị phạt tù đến 7 năm và phạt tiền từ 1 tỷ đồng và có thể gấp 3 lần số tiền trốn đóng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung cũng thông tin về biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, doanh nghiệp nào vi phạm thì phải bị truy thu số tiền đóng cho đầy đủ và phạt theo lãi suất ngân hàng công bố tại thời điểm đó.

Phó Giám đốc BHXH TPHCM Nguyễn Thị Mỹ Dung trao đổi tại buổi tiếp xúc cử tri.(Ảnh: Ngô Tùng)

Phó Giám đốc BHXH TPHCM Nguyễn Thị Mỹ Dung trao đổi tại buổi tiếp xúc cử tri.(Ảnh: Ngô Tùng)

Chia sẻ thêm giải pháp tăng cường giám sát và thanh tra, bà Dung cho biết trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm, BHXH thành phố đã ban hành 470 quyết định thanh tra đối với 470 đơn vị. Qua đó đã kiểm tra số tiền sai phạm và đã thu về đến hôm nay được 32% số tiền sai phạm đã được khắc phục.

Cùng với đó, tiếp tục đôn đốc thực hiện Luật Thanh tra và quyết định cưỡng chế cũng như cử viên chức tham gia đoàn thanh tra liên ngành; phối hợp với cơ quan công an trao đổi, cung cấp thông tin đối với những đơn vị đang trốn đóng BHXH.

Mặt khác, hiện nay BHXH cũng đã triển khai trên ứng dụng công nghệ thông tin trên app VSSID và phối hợp với Bộ Công an qua app VneID. Qua đó, người lao động có thể xem quá trình tham gia của mình và biết đơn vị đã đóng cho mình đến tháng nào và họ có nợ hay không, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng trốn đóng bảo hiểm của các đơn vị.

Tiền lương tăng thì mức đóng bảo hiểm cũng tăng theo

Lãnh đạo BHXH TPHCM cũng thông tin, sau khi tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024, ngành bảo hiểm thành phố đã thông báo và công bố trên cổng thông tin điện tử về các mức đóng hiện nay đối với BHYT học sinh sinh viên, mức tăng BHYT cho hộ cận nghèo cũng như mức đóng BHXH bắt buộc của người lao động.

Thông báo này cũng được gửi cho các sở ban ngành, các đơn vị trên toàn địa bàn thành phố rất rõ ràng theo nguyên tắc: mức đóng = bằng tỷ lệ đóng x tiền lương cơ sở. “Do đó, khi tiền lương tăng thì mức đóng của chúng ta cũng tăng theo”, bà Dung nói thêm.

Ngô Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cu-tri-de-nghi-giam-sat-dong-bhxh-cho-nguoi-lao-dong-post1651784.tpo