Cử tri Hưng Yên kiến nghị hình sự hóa hành vi trốn khám nghĩa vụ quân sự

Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung cụm từ 'không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự' vào khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự.

Bộ Quốc phòng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 602/UBDNGS15.

Theo đó, cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung cụm từ “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự” và cụm từ “một trong” vào khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự. Theo đó, điều luật này sẽ quy định như sau:

“Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Cử tri TP Hà Nội cũng kiến nghị cho rằng có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa quy định tại Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Điều 8 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

 Công dân tham gia khám tuyển Nghĩa vụ quân sự và Công an nhân dân. Ảnh: Báo QĐND.

Công dân tham gia khám tuyển Nghĩa vụ quân sự và Công an nhân dân. Ảnh: Báo QĐND.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự không quy định hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự” là tội phạm, trong khi Luật Nghĩa vụ quân sự có đề cập.

Do đó, người không đi khám sức khỏe sẽ không đủ điều kiện để ra lệnh nhập ngũ, gây khó khăn cho việc truy cứu trách nhiệm và ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội bổ sung hành vi này vào Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Quốc phòng thông tin Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự góp phần quan trọng tạo hành lang pháp lý trong phòng ngừa, xử lý vi phạm về nghĩa vụ quân sự, từng bước bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng xã hội.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 332 chưa quy định hành vi “không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự”, dẫn đến chưa thống nhất với quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.

Bộ Quốc phòng cho rằng khám sức khỏe là bước chuyển tiếp giữa đăng ký nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ. Tiêu chuẩn sức khỏe là một trong bốn tiêu chuẩn không thể thiếu để gọi nhập ngũ. Nếu không thực hiện việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì không thể nhập ngũ.

Đồng thời, thuật ngữ “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này” còn có quan điểm khác nhau khi áp dụng, gây khó khăn và vướng mắc nhất định trong truy cứu trách nhiệm.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc này nhằm thống nhất với hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự tại khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, bảo đảm đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm, thể hiện sự nghiêm minh và tính răn đe của pháp luật đối với tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cu-tri-hung-yen-kien-nghi-hinh-su-hoa-hanh-vi-tron-kham-nghia-vu-quan-su-post858243.html