Cử tri kiến nghị sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương

Cử tri, nhân dân bày tỏ lo lắng dù kinh tế phục hồi, phát triển nhưng chưa đồng đều; học phí, các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng...

 Ảnh minh họa: VGP

Ảnh minh họa: VGP

Thảo luận tại Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành toàn bộ thời gian buổi sáng ngày 10/10 xem xét, tham gia và cho ý kiến về các Báo cáo Tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV và các báo cáo giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội.

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết: cử tri, nhân dân bày tỏ sự lo lắng dù kinh tế Việt Nam đã bước sang giai đoạn phục hồi, phát triển nhưng chưa đồng đều và thực sự bền vững; học phí, các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tăng...

Cử tri ở vùng nông thôn lo ngại các mặt hàng nông sản chủ lực vẫn còn gặp tình trạng giá cả không ổn định, giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thức ăn chăn nuôi duy trì ở mức cao, chi phí đầu vào tăng cao phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu, nhất là Trung Quốc; một số sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thiếu đầu ra ổn định.

Đặc biệt, cử tri kiến nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua.

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng thay sách giáo khoa gây tốn kém, lãng phí, khó khăn cho giáo viên, học sinh; quy định hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa trong các trường phổ thông thống nhất trong toàn quốc; phối hợp với Bộ Nội vụ để có giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu

Đánh giá sát hơn việc hơn 39.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc

Thảo luận nội dung "nóng" được cử tri quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liên quan đến nội dung về cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ, Báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, cụ thể như môi trường kinh doanh, môi trường làm việc, sự cạnh tranh giữa khu vực công và khu vực tư... Đồng thời đánh giá lại mặt tích cực và tiêu cực của thực trạng này.

Chung mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, báo cáo có đánh giá tình trạng thiếu biên chế giáo viên, nhân lực y tế ở các cơ quan, đơn vị, địa phương xin nghỉ việc do áp lực công việc do tiền lương thực tế và thu nhập chưa đảm bảo đời sống. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, "các nguyên nhân được đưa ra này chưa hoàn toàn đầy đủ và không hợp lý do đây là phần về kiến nghị cử tri".

Theo số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, thời gian qua, có hơn 39.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc ra khu vực tư. "Đây là vấn đề được cử tri quan tâm, song do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do áp lực công việc, tiền lương và thu nhập chưa đảm bảo. Do vậy, cần có đánh giá khái quát và sát hơn" - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh nói

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cu-tri-kien-nghi-som-thuc-hien-lo-trinh-cai-cach-tien-luong-20221010153706384.htm