Cua cậy càng…

Chuyện rằng ái nữ của ông chủ một hãng hàng không nước nọ chỉ vì sai sót của nữ tiếp viên hàng không đã yêu cầu máy bay quay đầu để đuổi tiếp viên xuống. Vụ việc tạo nên làn sóng dư luận phẫn nộ, khiến bà này bị sa thải khỏi vị trí đương nhiệm và bị tuyên án 1 năm tù giam vì tội phỉ báng.

Ở ta, một thời từng có hot trend “mày biết tao là ai không?” để lên án những người có thái độ như ái nữ nhà nọ. Đi đâu, gặp ai, họ cũng khoe mình có quyền lực; là người quen bác này, người nhà anh kia… để phách lối, trông chờ sự vì nể, thậm chí phục dịch của người đối diện. Có người thường dùng “đòn gió” để dọa dẫm người nọ người kia, hoặc cố tình làm bừa làm ẩu, chỉ vì cậy là người nhà, người quen, là cánh hẩu của ai đó.

Dân gian có câu “cua cậy càng, cá cậy vây”, để chỉ những người ảo tưởng sức mạnh, ảo tưởng quyền lực như thế. Các hiện tượng "lợi ích nhóm", lạm quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc tổ chức ở không ít tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương chính là những cua, những cá ấy. Vì ảo tưởng nên họ vốn chỉ là cua đồng lại cho mình là hoàng đế, chỉ là cá tép tự cho mình là cá mập để mong nuốt cá bé, cậy vây to đẩy sóng, lật thuyền.

Người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần nói đến tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây” trong công tác cán bộ, công tác kiểm tra giám sát của Đảng và cảnh báo nạn tự cao tự đại, coi thường người khác, cảnh báo về chủ nghĩa cá nhân - căn bệnh mà trong suốt lịch sử hơn 90 năm, Đảng ta luôn tìm mọi cách đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi.

Chính vì vậy, nhân dân mong muốn làm sao để “càng” và “vây” phải được hiểu như một chức phận để phụng sự chứ không phải là một thứ vũ khí để lợi dụng. Mỗi tổ chức Đảng và cá nhân phải tỉnh táo, thường xuyên kiểm tra, nhận diện để không có những cá nhân ảo tưởng cậy càng cậy vây. Nhiệm vụ do tổ chức phân công nhất định không thể bị biến thành công cụ để thể hiện quyền lực cá nhân, vì mục đích cá nhân.

Ngọc Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/cua-cay-cang%E2%80%A6-139675.html