Cục Thuế doanh nghiệp lớn sẽ quản lý 125 doanh nghiệp lớn từ 1/1/2022

Ngày 27/12/2021, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn với 13 điểm cầu trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Tổng cục Thuế có Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, ban lãnh đạo Tổng cục thuế, cùng đại diện 10 doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thành lập Cục Thuế doanh nghiệp lớn (DNL) và quyết định về danh sách các doanh nghiệp phân công Cục thuế DNL trực tiếp quản lý từ 1/1/2022.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trao quyết định thành lập Cục Thuế doanh nghiệp lớn. Ảnh: Đức Minh

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phụng - Cục trưởng Cục thuế DNL cho biết, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế. Theo đó, nâng cấp và tổ chức lại Vụ Quản lý thuế DNL thành Cục Thuế DNL.

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục Thuế DNL chính thức đi vào hoạt động từ ngày 8/10/2021 và chính thức quản lý 125 DN lớn trên cả nước từ ngày 1/1/2022.

Cục Thuế DNL được thành lập và tổ chức với đầy đủ các chức năng quản lý thuế là cơ sở tiền đề để ngành Thuế thực hiện cải cách mạnh mẽ công tác quản lý thu thuế, đặc biệt là thu ngân sách Trung ương, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng; trong đó, ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, phục vụ cho những nhiệm vụ then chốt quan trọng về chính trị, xã hội, kinh tế và hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được ngân sách.

Đồng thời, với mục tiêu lấy người nộp thuế (NNT) là trung tâm để phục vụ, Cục Thuế DNL được thành lập cũng tạo điều kiện để ngành Thuế tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý thuế để đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NNT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện chính sách, pháp luật thuế.

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đã trao quyết định thành lập Cục Thuế Doanh nghiệp lớn (DNL).

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao Tổng cục Thuế đã nỗ lực chuẩn bị cho việc triển khai công tác quản lý thuế đối với DNL, trong đó có việc thành lập Cục Thuế DNL và đưa vào hoạt động từ đầu năm 2022.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Thứ trưởng Trần Xuân Hà nêu rõ, Vụ Quản lý thuế DNL được thành lập từ năm 2009, trải qua hơn 10 năm hoạt động, Vụ đã làm tốt công tác tham mưu cho Tổng cục Thuế trong việc nghiên cứu chính sách, chế độ nói chung, lập dự toán và quản lý thuế đối với các DNL. Tuy nhiên, Vụ quản lý thuế DNL chưa thực hiện đầy đủ chức năng của một cơ quan quản lý thuế.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định, việc thành lập và đưa vào hoạt động của Cục Thuế DNL là một bước cải cách trong công tác quản lý thuế, song đây cũng là một nội dung mới cần được triển khai một cách chặt chẽ, đảm bảo chế độ quy định và có hiệu quả.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Cục Thuế DNL phải tuân thủ các quy định của pháp luật (cả về chính sách thuế và quản lý thuế), quy trình nghiệp vụ như các cơ quan quản lý thuế khác, không tạo thêm thủ tục hành chính và phải tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Cục Thuế DNL cần nắm chắc đối tượng, nắm chắc nguồn thu, tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của DN để làm tốt công tác dự báo, công tác kê khai, thu nộp, miễn giảm, hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra, cũng như công tác thống kê, kế toán thuế đảm bảo thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế theo quy định.

Bên cạnh đó cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa Cục Thuế DNL với các cơ quan có liên quan, các cục thuế, các bộ, ngành và các DN; đồng thời giải quyết tốt quan hệ giữa các đơn vị trong Tổng cục Thuế.

Để hoạt động của Cục Thuế DNL được tốt, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị lãnh đạo Tổng cục Thuế theo dõi sát, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho Cục Thuế DNL hoạt động suôn sẻ; các đơn vị TCT phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế DNL trong việc thực thi công vụ.

Theo Thứ trưởng, trong thời gian qua các tập đoàn, tổng công ty đã đồng hành cùng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong quá trình thực hiện nghĩa vụ về tài chính ngân sách, đồng thời có quan hệ phối kết hợp chặt chẽ hiệu quả. Thứ trưởng mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các tập đoàn, DN lớn.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà bày tỏ tin tưởng với nỗ lực và quyết tâm cao, Cục Thuế DNL sẽ khắc phục những khó khăn ban đầu triển khai có hiệu quả công việc theo chức trách được giao, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác quản lý thuế nói chung cũng như công tác tài chính- ngân sách nó chung, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2022 và đến 2025.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn chia sẻ, Vụ Quản lý thuế DNL được nâng cấp thành Cục Thuế DNL với đầy đủ các chức năng quản lý thuế, trước mắt sẽ trực tiếp quản lý thuế đối với 125 DNL, chiếm gần 0,015% số DN đang hoạt động trên cả nước nhưng số thu chiếm tới 17% tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, việc đưa các DNL về Trung ương quản lý sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế vào NSNN, không tăng thời gian và chi phí cho DN.

Ở chiều ngược lại, với việc Cục Thuế DNL trực tiếp quản lý, sẽ không bị giới hạn trong phạm vi một tỉnh, thành phố mà sẽ có thông tin tổng thể hoạt động của các DN trên phạm vi cả nước, qua đó sẽ tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền trong xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp quy định và hoạt động của các DNL, hướng đến mục tiêu thực hiện cải cách thủ tục hành chính tối đa, chính sách thuế đơn giản, minh bạch, dễ thực hiện, tiết giảm chi phí, thời gian tuân thủ nghĩa vụ thuế cho NNT.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị, Cục Thuế DNL phối hợp chặt chẽ với 13 cục thuế địa phương và các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao 125 DNL từ các cục thuế trên nguyên tắc không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh (nếu có) khi chuyển đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp từ cục thuế địa phương về Cục Thuế DNL./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cuc-thue-doanh-nghiep-lon-se-quan-ly-125-doanh-nghiep-lon-tu-112022-97893.html