Cụm tin trong nước: Trẻ dưới 14 tuổi được cấp tài khoản định danh điện tử riêng

Từ tháng 7 này, nhiều chính sách mới có hiệu lực, nổi bật như: lương cơ sở mới của công chức, viên chức; tích hợp nhiều giấy tờ trên VNeID; chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học.

TĂNG LƯƠNG CƠ SỞ TỪ 1,8 LÊN 2,34 TRIỆU ĐỒNG

Tại nghị quyết kỳ họp thứ 7 thông qua sáng 29/6, Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở từ 1/7. Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.

CHUYỂN TIỀN TRÊN 10 TRIỆU PHẢI XÁC THỰC BẰNG SINH TRẮC HỌC

Từ 1/7, chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học, tức là qua nhận diện khuôn mặt hoặc vân tay. Cụ thể là chuyển từ 10 triệu đồng trở xuống và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không phải xác thực sinh trắc học. Khi tổng số tiền đã chạm 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo dù chỉ chuyển 1 đồng, người thực hiện giao dịch phải xác thực sinh trắc học trước khi chuyển. Quy định này nhằm ngăn chặn thiệt hại cho chủ tài khoản khi kẻ gian rút tiền nhiều lần với số lượng lớn.

TÍCH HỢP GIẤY PHÉP LÁI XE, CĂN CƯỚC TRÊN VNEID

Theo Thông tư 28 được Bộ Công an ban hành ngày 29/6, ngoài hình thức bản giấy, người tham gia giao thông có thể trình cảnh sát giao thông các loại giấy tờ sau qua ứng dụng VNeID: Giấy phép lái xe; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ; bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực. Còn tại Nghị định 69/2024 có hiệu lực từ 1/7, Chính phủ quy định căn cước điện tử có giá trị pháp lý như thẻ căn cước bản cứng. Căn cước điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.

TRẺ DƯỚI 14 TUỔI ĐƯỢC CẤP TÀI KHOẢN ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ RIÊNG

Cũng từ 1/7, trẻ dưới 14 tuổi sẽ được cấp tài khoản định danh điện tử riêng, thay vì phải đăng ký theo tài khoản cha mẹ hoặc người giám hộ. Cụ thể, nghị định 69 quy định, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân đủ 14 tuổi đã có thẻ căn cước công dân hoặc căn cước còn hiệu lực, được cấp tài khoản định danh điện tử mức 1 hoặc 2. Công dân Việt Nam đủ 6 đến dưới 14 tuổi, đã được cấp thẻ căn cước, được cấp tài khoản định danh điện tử mức 1 hoặc 2 nếu có nhu cầu. Trẻ dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ căn cước, cũng được cấp tài khoản định danh điện tử mức 1.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cum-tin-trong-nuoc-tre-duoi-14-tuoi-duoc-cap-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-rieng-227418.htm