Củng cố đồng minh, phân rẽ đối địch
Trước thềm cuộc gặp với Anh, Đức và Pháp, được gọi là nhóm E3, ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để bàn về những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, Iran đã gặp Nga và Trung Quốc ở cấp Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao.
Trước đó, năm 2015, nhóm E3 cùng với Mỹ, Iran, Trung Quốc và Nga đã ký kết thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Thỏa thuận này được các bên ký kết thực hiện nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận. Trong thỏa thuận này có quy định về thực hiện trở lại những biện pháp trừng phạt mà Liên hợp quốc đã áp dụng đối với Iran ở trước thời điểm thỏa thuận có hiệu lực nếu phía Iran không tuân thủ.
Điều được dư luận chú ý là nhóm E3 giờ dọa sẽ khởi động cơ chế này nếu cho tới cuối tháng 8-2025, phía Iran vẫn không chịu chấp nhận giải pháp của họ cho vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Bộ ba này tuy không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột mới đây của Mỹ và Israel chống Iran nhưng cũng không có bất cứ tuyên bố hay phát biểu phản đối công khai nào. Trong khi Mỹ và Israel tiếp tục dọa sẽ lại tấn công Iran nếu quốc gia này khôi phục chương trình hạt nhân và tiếp tục làm giàu uranium thì Iran chưa sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ về giải pháp cho chương trình hạt nhân của Iran.
Trong bối cảnh chung như thế, Iran đã trao đổi với Nga và Trung Quốc nhằm ba mục đích.
Thứ nhất là Iran tranh thủ Nga và Trung Quốc, củng cố sự hậu thuẫn của hai đồng minh này trong việc đàm phán với các đối thủ kia nói riêng và trong toàn bộ chuyện giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của Iran nói chung. Dù đàm phán với ai và giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân của mình với ai thì Iran cũng đều cần, thậm chí rất cần sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động với Nga và Trung Quốc. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đối địch và gây bất lợi nên chắc chắn sẽ không hùa theo Mỹ và nhóm E3 trong đàm phán với Iran. Nếu mọi thỏa thuận mới đạt được cần đến sự chấp nhận và hợp pháp hóa của Liên hợp quốc thì Nga và Trung Quốc với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể đóng vai trò cùng quyết định. Nói cách khác, Mỹ và nhóm E3 muốn làm gì với Iran thì không thể không lưu ý đến quan điểm, thái độ của Nga và Trung Quốc.
Mục đích thứ hai là tham vấn Nga và Trung Quốc để ngăn ngừa nhóm E3 thực hiện lời đe dọa kích hoạt cơ chế khôi phục những biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc. Mỹ đã ở bên ngoài nhưng Iran, Nga, Trung Quốc và nhóm E3 kia trên danh nghĩa chính thức vẫn ở trong thỏa thuận đã đạt được hồi năm 2015. Nhóm E3 đã đưa ra tối hậu thư cho Iran và hiện có thể khẳng định Iran sẽ không chấp nhận tối hậu thư đó. Trong trường hợp này, chỉ có Nga và Trung Quốc mới có thể ngăn cản được bộ ba kia yêu cầu Liên hợp quốc khôi phục những biện pháp trừng phạt Iran.
Thứ ba là với sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động với Nga và Trung Quốc, Iran sẽ có cách thức hiệu quả hơn trong việc vận hành tiến trình đàm phán với nhóm E3 sao cho đạt được cả hai mục tiêu là không để nhóm này kích hoạt cơ chế khôi phục những biện pháp của Liên hợp quốc trừng phạt Iran. Đồng thời vừa có thể phân rẽ nhóm này với Mỹ trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, tăng thế cho Iran nếu như tới đây lại đàm phán với Mỹ. Iran nhằm tới những mục tiêu trên thật ra là để chuẩn bị tốt nhất về mọi phương diện để rồi tới thời điểm thích hợp thì lại đàm phán trực tiếp với Mỹ về chương trình hạt nhân của mình.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cung-co-dong-minh-phan-re-doi-dich-710322.html