Cùng con đi qua tuổi dậy thì
Dậy thì là giai đoạn phát triển sinh lý - tâm lý quan trọng, đánh dấu bước chuyển từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Những năm gần đây, tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em có xu hướng gia tăng, kéo theo nhiều tác động đến sức khỏe thể chất, tinh thần và tâm lý xã hội.
Trong khi trẻ bối rối trước sự thay đổi của cơ thể, nhiều bậc phụ huynh lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để nhận biết và ứng xử phù hợp. Việc chủ động đồng hành cùng con trong giai đoạn nhạy cảm này không chỉ giúp phát hiện, can thiệp kịp thời các vấn đề sức khỏe mà còn góp phần xây dựng nền tảng tâm lý vững vàng cho trẻ.

TS.BS Ngô Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Nhi bệnh viện Xanh Pôn thăm khám một trường hợp dậy thì sớm. Ảnh: N.THANH
Khi con thay đổi, cha mẹ chưa sẵn sàng
Dậy thì sớm là tình trạng trẻ xuất hiện các dấu hiệu trưởng thành về cơ thể sớm hơn bình thường. Cụ thể, nếu bé gái bắt đầu phát triển ngực, có kinh nguyệt trước 8 tuổi, hoặc bé trai có biểu hiện như to tinh hoàn, vỡ giọng trước 9 tuổi thì được xem là dậy thì sớm.
Những thay đổi đến quá sớm này thường khiến cả trẻ và người lớn rơi vào thế bị động. Như trường hợp của chị Nguyễn Bích Vân, 35 tuổi, sống tại Hà Nội. Dạo gần đây, con gái 7 tuổi của chị bắt đầu thích soi gương, làm điệu và bắt chước trang điểm theo các clip trên mạng.
Bé cũng thường xuyên giận dỗi, nhõng nhẽo vô cớ khiến chị nghĩ đơn giản là con đang học theo người lớn. Chỉ đến khi tắm cho con và phát hiện cơ thể bé thay đổi, chị mới giật mình. Hốt hoảng đưa con đi khám, chị bàng hoàng khi bác sĩ kết luận: Bé đã bước vào giai đoạn dậy thì.
Không chỉ bé gái, dậy thì sớm ở bé trai cũng để lại nhiều tác động tâm lý. Bé Tùng, 9 tuổi, gần đây bắt đầu vỡ giọng, đầu nổi mụn và xuất hiện lún phún ria mép. Những thay đổi bất thường khiến em trở thành mục tiêu trêu chọc của bạn bè trong lớp, với những biệt danh như “ông cụ non” hay “chú Tùng”. Ban đầu chỉ là ngại ngùng, sau đó Tùng dần thu mình, không muốn giao tiếp và nhiều lần lấy cớ mệt để xin nghỉ học.
Những câu chuyện như vậy không còn hiếm gặp trong các phòng khám nhi. Dậy thì sớm đang trở thành hiện tượng phổ biến, và nhiều khi, chính phụ huynh cũng không kịp thích nghi với tốc độ phát triển của trẻ mình.
TS.BS Ngô Thị Thu Hương, Phó Trưởng khoa Nhi bệnh viện Xanh Pôn cho biết: “Chúng tôi tiếp nhận hàng chục ca mỗi tuần, hầu hết là các bé gái. Có những bé lớp 2, lớp 3 đã có kinh nguyệt. Nhiều gia đình tưởng con phát triển sớm là khỏe mạnh, không đưa đi khám. Nhưng thực tế, đây có thể là biểu hiện của rối loạn nội tiết, thậm chí là khối u tiết hormone”.
Theo TS Hương, vấn đề không chỉ là việc trẻ dậy thì sớm hơn bình thường, mà là tốc độ phát triển quá nhanh. Tuổi xương tăng nhanh có thể khiến sụn đóng sớm, dẫn tới nguy cơ thấp lùn ở tuổi trưởng thành. Và điều đáng tiếc là hệ lụy này thường không thể đảo ngược, ngay cả khi sau đó quá trình dậy thì được kiểm soát bằng y học.
“Ngoài công việc chuyên môn, tôi còn kiêm luôn chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ. Có khi khám cho trẻ chỉ mất 15 phút, nhưng ngồi “gỡ rối” cho phụ huynh thì mất cả tiếng đồng hồ. Có người bật khóc ngay trong phòng khám, có người hỏi dồn dập rồi trách bản thân không kiểm soát ăn uống cho con, cũng có người né tránh không dám nhìn vào sự thật, vì sợ con mất tuổi thơ”, BS Ngô Thị Thu Hương dí dỏm kể.
Đằng sau câu chuyện tưởng như nhẹ nhàng ấy là một thực tế đáng suy ngẫm: Cha mẹ không chỉ cần thông tin y khoa rõ ràng mà còn cần được chuẩn bị về mặt tâm lý, để bình tĩnh và vững vàng đồng hành cùng con trong giai đoạn nhạy cảm này.
Đừng để con “lớn” một mình
Dậy thì sớm có thể khiến trẻ thiệt thòi hơn bạn bè đồng trang lứa về mặt tâm lý, nhưng điều đó không có nghĩa các em đánh mất hoàn toàn tuổi thơ, “chỉ là các em cần một cách tiếp cận khác, một sự thấu hiểu đặc biệt hơn”, BS Hương khẳng định.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám dậy thì sớm?
Nếu cha mẹ thấy con có những dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái hoặc trước 9 tuổi ở bé trai, nên sớm đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra. Đặc biệt, nếu trẻ có biểu hiện tâm lý thay đổi như dễ cáu gắt, thu mình, nhạy cảm hoặc tỏ ra quan tâm quá mức đến ngoại hình, cha mẹ cũng không nên chủ quan. Việc chẩn đoán và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ phát triển thể chất và tâm lý một cách hài hòa, tránh được những ảnh hưởng lâu dài về sau.
Nhiều phụ huynh vẫn ngại nói chuyện với con về cơ thể, giới tính. Nhưng càng né tránh, khoảng cách giữa cha mẹ và con càng lớn. Trong khi đó, với trẻ dậy thì sớm, điều các em cần nhất là một người lớn đủ bình tĩnh, đủ tin cậy để đồng hành và lắng nghe.
Sau quá trình điều trị và tư vấn, BS Hương thường khuyến khích cha mẹ học cách lắng nghe con nhiều hơn, kiên nhẫn hơn. “Nếu không biết bắt đầu thế nào để nói về chuyện giới tính, hãy tìm một cuốn sách phù hợp, một video nhẹ nhàng, gần gũi. Nếu ngại chia sẻ trực tiếp, bố mẹ có thể viết thư, nhắn tin hoặc đơn giản là kể cho con nghe một kỷ niệm tuổi mới lớn của chính mình”, bác sĩ gợi ý.
Bên cạnh gia đình, sự đồng hành của nhà trường và giáo viên cũng vô cùng quan trọng. Trẻ dành phần lớn thời gian ở trường, nên sự quan tâm, động viên từ thầy cô có thể giúp các em bớt hoang mang khi bước vào giai đoạn thay đổi. Quan trọng hơn, nhà trường cần chú trọng đến việc giáo dục giới tính, bắt đầu từ sớm và đúng cách.
Khi được trang bị kiến thức đúng đắn về cơ thể và tâm sinh lý, trẻ sẽ không còn thấy sợ hãi hay xấu hổ, mà tự tin hơn khi đối diện với cơ thể đang dần lớn lên của chính mình. Điều này vừa giúp những em dậy thì sớm cảm thấy trải nghiệm của mình là bình thường vừa góp phần tạo ra một môi trường học đường cởi mở và an toàn.
Để phòng tránh dậy thì sớm, cha mẹ nên duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, tăng cường vận động, đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc và không để các em tiếp xúc với nội dung người lớn. Đồng thời, cần thận trọng với các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc và quan sát kỹ những thay đổi bất thường ở trẻ để có thể can thiệp kịp thời.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/gia-dinh/cung-con-di-qua-tuoi-day-thi-156000.html