Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Tunisia

Tunisia rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế sau khi Tổng thống Kais Saied bất ngờ giải tán chính phủ của Thủ tướng Hichem Mechichi và đình chỉ hoạt động của Quốc hội. Động thái này đã khiến nhiều người dân đổ ra đường bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống, trong khi những người phản đối gọi đây là 'một cuộc đảo chính' vì ông Saied nắm quyền kiểm soát chính phủ. Bất đồng chính trị gây áp lực lên nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 ở Tunisia.

Cảnh sát bảo vệ bên ngoài tòa nhà quốc hội của Tunisia. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát bảo vệ bên ngoài tòa nhà quốc hội của Tunisia. Ảnh: REUTERS

Bất đồng chính trị đã khiến Tunisia không thể thành lập được các chính phủ lâu dài và hiệu quả. Diễn biến mới nhất tại Tunisia cũng là thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi quốc gia Bắc Phi này áp dụng Hiến pháp 2014 phân chia quyền lực giữa tổng thống, thủ tướng và quốc hội. Mâu thuẫn hiện tại giữa Tổng thống Saied và chính phủ của Thủ tướng Mechichi được cho liên quan quá trình đàm phán khoản vay mới với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vốn được nhìn nhận là cần thiết để giúp Tunisia tránh một cuộc khủng hoảng tài chính khi mà quốc gia này đang phải tìm cách hạn chế thâm hụt ngân sách trong khi các khoản vay sắp đáo hạn.

Tổng thống Tunisia Kais Saied cho biết, ông đang giải quyết các vấn đề kinh tế và dịch Covid-19, đồng thời ra lệnh mở cuộc điều tra toàn diện về tham nhũng. Ông cho rằng, những lựa chọn kinh tế sai lầm đã gây ra những vấn đề tài chính nghiêm trọng cho đất nước. Trước đó, Tòa án Tunisia đã mở cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào ba chính đảng của nước này, bao gồm đảng Ennahda cầm quyền và đảng Trái tim của Tunisia. Những đảng này bị tình nghi nhận tiền của nước ngoài trong chiến dịch bầu cử năm 2019. Hiện, Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT) đang chuẩn bị một lộ trình để trình lên Tổng thống nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị.

Tổng thống Saied cho biết, sẽ đảm đương quyền điều hành đất nước với sự hỗ trợ của một thủ tướng mới do ông chỉ định. Tuy nhiên, Tổng thống Saied vẫn chưa thông báo về việc bổ nhiệm thủ tướng mới hoặc đưa ra các biện pháp nhằm xử lý giai đoạn khẩn cấp mà ông đã tuyên bố khi viện dẫn Hiến pháp để cách chức Thủ tướng và đình chỉ Quốc hội.

Bế tắc chính trị đã khiến cuộc thử nghiệm dân chủ kéo dài hàng thập kỷ của Tunisia đối mặt nhiều khó khăn. Theo quy định, tranh cãi liên quan đến Hiến pháp Tunisia sẽ được một tòa án hiến pháp giải quyết. Tuy nhiên, bảy năm sau khi Hiến pháp được phê chuẩn, tòa án này đến nay vẫn chưa thể thành lập do tranh cãi liên quan việc bổ nhiệm thẩm phán. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các phe phái đối lập ở Tunisia giải quyết khủng hoảng thông qua đối thoại. Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ hối thúc ông Saied duy trì đối thoại cởi mở với tất cả các nhân vật chính trị và người dân Tunisia để giải quyết tình hình.

Bất đồng chính trị và khó khăn kinh tế có nguy cơ đẩy Tunisia lún sâu vào khủng hoảng. Đối thoại là cách duy nhất để giúp quốc gia Bắc Phi này giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp, giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình ủng hộ hai phía đối lập bùng phát thành làn sóng bạo loạn có thể nhấn chìm mọi thành quả của Tunisia, quốc gia vốn được coi là “tấm gương” trong thiết lập nền dân chủ sau làn sóng “Mùa xuân Arab” xảy ra cách đây 10 năm ở Bắc Phi.

THANH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/cuoc-khung-hoang-nghiem-trong-o-tunisia-661008/