Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Giỏ bánh mì của thầy giáo vùng cao

Từ 4 giờ 30 phút, thầy Tùng đến trường với hành trang là chiếc giỏ đựng bánh mì. Thầy không nỡ để học sinh nửa buổi học muốn về nhà, không có tâm trạng học tập chỉ vì quá... đói

Gần 3 năm nay, học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) khi bước vào cổng trường sẽ không đi thẳng vào lớp mà sẽ ghé "Tủ bánh mì 0 đồng" của thầy Vũ Văn Tùng (43 tuổi).

Tủ bánh mì 0 đồng trong trường học

Tại đây, thầy Tùng cùng một số giáo viên sẽ phát 200 suất bánh mì kẹp xúc xích kèm sữa tươi cho học sinh ăn sáng trước khi bắt đầu buổi học. Phát bánh mì xong, thầy Tùng dọn dẹp trước khi bắt đầu lên lớp với những ánh mắt học trò thơ ngây, trong veo.

Thầy Tùng quê gốc Nghệ An và gắn bó với ngành giáo dục Gia Lai đã được 16 năm. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Đà Lạt, năm 2007, thầy về công tác tại Trường THCS Cù Chính Lan, đến năm 2013 được điều động về Trường THCS Lương Thế Vinh (huyện Ia Pa). Năm 2015, Trường Đinh Núp được thành lập, thầy Tùng xung phong về công tác dù biết trường đóng trên địa bàn khó khăn (thuộc 2 thôn Bi Giông và Bi Gia), có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Ba Na).

Thầy Vũ Văn Tùng được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Thầy Vũ Văn Tùng được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ký ức về những ngày đầu thành lập trường không bao giờ thầy Tùng quên được. "Tỉ lệ học sinh đến trường rất thấp - một lớp 9 chỉ 8 học trò, có hôm chỉ 1 trò đến lớp. Bố mẹ các em hầu như không biết chữ do đời sống người dân nơi đây còn nhiều cơ cực, khi mà cái bụng chưa no thì họ không nghĩ đến việc lo cho con đi học" - thầy nhớ lại.

Thầy Tùng trao bánh mì cho học sinh bằng cả tấm lòng

Thầy Tùng trao bánh mì cho học sinh bằng cả tấm lòng

Những lần nhà trường thực hiện chế độ cấp phát cho học sinh, thầy Tùng rất buồn vì cả ông bà, bố mẹ gần như không biết chữ và không muốn con đi học. Việc kêu gọi học sinh đến lớp rất gian nan. Nhiều hôm, thầy mang luôn mì ăn liền, sách vở lên rẫy để cùng học với học trò, thậm chí còn có phụ huynh đuổi thầy giáo đi, nói rằng "Học làm gì, học có tiền không?". Thầy Tùng không nản chí, ngày nào cũng tới nhà, lên rẫy khuyên giải bằng các phương pháp khác nhau. Thầy Tùng tin chỉ cần chân thành thì phụ huynh sẽ hiểu và động viên con đến trường.

Trên lớp học, cứ đến khoảng 10 giờ là thầy Tùng thấy học sinh uể oải, mắt hướng ra cổng trường như muốn được về nhà. Qua tìm hiểu, thầy Tùng được biết hầu hết các em đến trường đều không ăn sáng nên đói bụng, muốn về nhà kiếm đồ ăn. Có em bố mẹ đi rẫy đến tối muộn mới về, buổi trưa ăn uống qua loa hoặc nhịn đói tới tối. Thầy Tùng nghĩ "cần phải chăm sóc bữa sáng cho các em thì các em mới có đủ sức khỏe và tinh thần để học tập".

Thầy Tùng mang ý tưởng lập "Tủ bánh mì 0 đồng" kể với một chủ lò bánh mì. Ngay lập tức, thầy Tùng nhận được sự hỗ trợ. Chủ lò đồng ý tài trợ 1 tuần 1 giỏ 60 ổ bánh mì cho các em. Nhưng thầy Tùng mong muốn có 3 buổi phát bánh trong tuần nên đã tự bỏ tiền túi để mua thêm, duy trì đủ 3 buổi/tuần vào thứ hai - tư - sáu. Ngày 5-12-2021, "Tủ bánh mì 0 đồng" của thầy Tùng ra đời.

Chỉ sợ mưa làm ướt bánh

Chị Nguyễn Thị Hà, vợ thầy giáo Tùng, chia sẻ: "Giáo viên thường mang giày, cặp sách, quần áo gọn gàng tới trường nhưng chồng tôi thì mang một giỏ bánh mì phía sau xe máy. Hằng ngày, cứ đúng 4 giờ 30 phút, anh ấy ra khỏi nhà, bất kể mưa bão hay trong người mệt mỏi. Anh bảo rằng mưa chỉ sợ làm ướt bánh mì chứ không lo ướt quần áo vì có sẵn quần áo dự phòng trong cốp xe rồi".

Thầy Lê Công Tấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, chia sẻ: "Lúc mới ra đời "Tủ bánh mì 0 đồng", rất nhiều người băn khoăn, lo lắng liệu tủ tồn tại được bao lâu. Vì điều kiện gia đình thầy Tùng cũng còn rất khó khăn, vợ đang nuôi con nhỏ và quãng đường từ nhà thầy đến trường xa khoảng 40 km".

Nhớ lại ngày khai trương "Tủ bánh mì 0 đồng", thầy Tùng không khỏi bồi hồi, xúc động. "Buổi đầu tiên phát bánh, các em đứng xếp hàng rất đông nhưng chỉ có 60 ổ. Khi bánh phát hết, còn nhiều học sinh không có bánh, các em cảm thấy hụt hẫng, ánh mắt tội nghiệp, còn tôi cảm thấy có lỗi với các em. Thật may, sau đó hình ảnh thầy trò được lan tỏa, các nhà hảo tâm ủng hộ, số lượng bánh tăng lên 200 ổ/buổi. Đặc biệt có thêm những hộp sữa tươi và bánh bao. Kinh phí mỗi buổi phát bánh từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng" - thầy Tùng trải lòng.

Đã vài lần thầy Tùng bỏ quên thùng sữa lúc rời nhà, khi nhớ ra thầy lại vội vàng quay về lấy và làm muộn giờ phát bánh mì 15 phút. Khi đến trường, học sinh đứng đợi rất đông, thầy cảm thấy có lỗi với học trò, dặn lòng lần sau phải đúng giờ, không được "nhớ nhớ quên quên". Có lần thầy hỏi vui học trò: "Có em nào giấu bánh mang về nhà ăn không?". Có học trò thưa: "Dạ, thầy cho em xin một ổ mang về ăn trưa. Bố mẹ em lên rẫy tối mới về, trưa em không có gì để ăn", khiến thầy Tùng không khỏi xót xa.

Trước khi mở "Tủ bánh mì 0 đồng", thầy Tùng có ý định xin chuyển công tác về gần nhà để đỡ đần vợ việc nhà. Nhưng khi học sinh biết, các em nói với thầy: "Thầy ơi! Thầy đừng bỏ chúng em!" khiến thầy Tùng xúc động, không nỡ chuyển công tác. "Thương vợ ở nhà vừa nuôi con nhỏ vừa cáng đáng mọi việc nhưng tôi cũng rất thương học trò ở Trường Đinh Núp nên không đành lòng chuyển đi" - thầy Tùng xúc động.

Ghi nhận tấm lòng của thầy

Ông Đỗ Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Pờ Tó, huyện Ia Pa - cho biết: "Hai thôn Bi Giông và Bi Gia có 385 hộ, hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống đặc biệt khó khăn. Từ khi có "Tủ bánh mì 0 đồng" của thầy Tùng, sĩ số học sinh đến trường được duy trì ở mức cao. Địa phương ghi nhận và đánh giá cao tấm lòng của thầy Tùng đối với các học sinh".

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

TRẦN THỊ THÚY VÂN (xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-gio-banh-mi-cua-thay-giao-vung-cao-196231210194323517.htm