Cuốn sách tôi chọn: 'Chuyện lính Tây Nam' - hồi ức của nỗi đau và lòng kiêu hãnh

Chúng ta đang sống trong tinh thần lắng đọng của dịp lễ kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Chuyên mục Cuốn sách tôi chọn hôm nay xin giới thiệu một ấn phẩm của Nhà xuất bản Văn học, qua phần trò chuyện của chính tác giả - một cựu chiến binh.

Nói về cuốn “Chuyện lính Tây Nam“, nhà văn Nguyễn Văn Thọ gọi đây là hồi ức của “Một binh sĩ sau 30 năm im lặng, được viết lại vẫn hừng hực mùi thuốc súng, mùi máu và cả vị mặn của nước mắt đàn ông dưới những tầng chữ”. Để rồi “Dẫu chiến tranh đã từng như thế, vẫn không làm tôi thiếu tin cậy ở dân tộc, ở bản anh hùng ca viết bằng máu xương, cả nỗi đau khổ... giấu trong nhiều thế hệ, nối nhau mà sẵn sàng bảo vệ đất nước”. Bởi vậy, “Chuyện lính Tây Nam” được đón nhận như là “hồi ức của nỗi đau và lòng kiêu hãnh”.

Nhà văn TRUNG SỸ: “Chuyện lính Tây Nam” tôi viết một cách rất tự nhiên thôi, như là tôi nhớ đến anh em đồng đội ở trong đơn vị tôi, dù còn sống hay đã hy sinh mất rồi. Sau rất nhiều năm tôi về Hà Nội, lăn vào cuộc sống đời thường, nhưng đến khi nhiều lần anh em ngồi với nhau, nhớ lại quãng thời gian thanh xuân khốc liệt và chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc, người ta cứ nhắc lại, giá hôm nay còn người này, giá hôm nay còn người kia… thì tôi nghĩ là bạn bè tôi không mất được, nghĩa là anh em tôi vẫn sống. Sống trong những lời nhắc của bố mẹ, của bạn bè. Tôi nghĩ là mình nên viết một cuốn kể lại tất cả những câu chuyện như thế một cách trung thực nhất. Một tấm lòng đối với bè bạn, đối với đồng đội của chúng tôi.”

Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ:Cái mà được nhất ở “lính Tây Nam” là tính trung thực của cuộc sống. Nó rất là chân thực. Nó phản ảnh rất chi tiết các tình huống, các tình cảnh, các cái diễn biến, các hành vi của nhân vật. Nó rất sống động. Cái cuộc chiến nó phản ảnh thông qua hồi ức của một người lính, từ lúc anh tham gia đến lúc anh trở về như thế nào. Nó nói lên cái khát vọng sống. Được sống bình thường!”.

Nhà văn TRUNG SỸ: "Một điều tôi muốn nói ở trong cuốn sách là: Chúng tôi là những người lính. Những người lính cũng là người bình thường thôi, nhưng trong cuộc chiến tranh, tức là trong hoàn cảnh đặc biệt, thì chúng tôi đã sống và chiến đấu, kể cả trong chiến đấu và trong cuộc sống đời thường, rất nhiều gian khổ, rất nhiều khó khăn."

Nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ: “Tôi đánh giá rất cao và khẳng định nó là một cuốn viết về chiến tranh tốt. Về cấu trúc, nó rất có nghề. Bản thân nó đưa ra chi tiết cũng có hàm ý, có ngôn ngoại ý tại. Hình ảnh người lính cao lồng lộng lên khi đã vượt qua cả chặng đường gian khổ.”

Nhà văn TRUNG SỸ: "Và tôi mong một nền hòa bình mãi mãi đối với đất nước, đối với dân tộc ta. Mỗi người đều có một ký ức. Ai cũng nhớ đến ký ức thời gian khổ nhất, những ký ức khốc liệt nhất. Nó là cái biên độ dao động lớn nhất của cuộc đời mà sự đeo đẳng nhất chính là những người không trở về. Bạn bè tôi có nhiều liệt sĩ vẫn bặt vô âm tín. Chúng tôi không tìm được. Thế nên, tôi viết cuốn “Chuyện lính Tây Nam” ấy, thực sự tôi viết giống như một người lính trải lòng ra với đồng đội của mình đã hy sinh. Đấy là tiếng nói từ trái tim tôi, là những dòng viết ra từ trái tim tôi. Và trong những trang viết, nhiều khi nước mắt tôi cứ chảy ra.

Tháng 7 người ta gọi là tháng của lính. Trong tháng 7 thương nhớ ấy, tôi chỉ muốn nói lại với các bạn bè, anh em của chúng tôi đã hy sinh rằng: Không bao giờ trong lòng chúng tôi quên được anh em bạn bè! Các anh em vẫn sống trong những câu chuyện, trong những lời nhắc của chúng tôi."

Thực hiện : Thiện Đoan Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-chuyen-linh-tay-nam