Cựu chiến binh gương mẫu, nhạy bén làm kinh tế

Những năm qua, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thanh Minh (72 tuổi, ngụ ấp Tân Đạt, xã An Viễn) luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tận dụng kiến thức, kinh nghiệm và với tinh thần dám nghĩ, dám làm để vượt qua khó khăn, tìm ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Minh (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm về mô hình trồng cây ca cao đạt hiệu quả. Ảnh: An Nhơn

Ông Nguyễn Thanh Minh (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm về mô hình trồng cây ca cao đạt hiệu quả. Ảnh: An Nhơn

Đặc biệt, ông rất nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển ở địa phương.

Nhạy bén chuyển đổi cây trồng

Cùng đi với cán bộ Hội CCB xã An Viễn, chúng tôi đến tham quan các mô hình làm kinh tế hiệu quả của gia đình ông Nguyễn Thanh Minh. Hiện ông làm 3 mô hình kinh tế, gồm: trồng vườn ca cao với diện tích 8 ngàn m2, vườn bưởi da xanh trên 5 ngàn m2 và đầu tư 300 thùng nuôi ong lấy mật. Nhờ được đầu tư bài bản, kỹ lưỡng đã giúp các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đem lại nguồn thu khá cho gia đình ông.

Được biết, trước đây, ông Minh chọn mô hình trồng cà phê trong khu vườn rộng 1,7 hécta. Tuy nhiên khi cà phê “rớt” giá sâu, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây cao su và trở thành người tiên phong đưa mô hình mới về áp dụng tại địa phương. Mủ cao su trong thời gian dài được xem là “vàng trắng”, giá trị kinh tế rất cao và chính việc nhạy bén chuyển đổi cây trồng kịp thời đã giúp gia đình ông Minh có nguồn thu rất lớn.

Duy trì trồng cao su được khoảng 15 năm, thị trường tiêu thụ mủ cao su bắt đầu bấp bênh, dẫn đến làm ăn không hiệu quả. Ông Minh nghiên cứu, đầu tư mô hình trồng tre lấy măng và cách làm này đã đem lại nguồn thu đảm bảo cho gia đình. Thế nhưng, việc trồng tre lấy măng cũng chỉ duy trì được một thời gian rồi phải ngưng vì nhiều người dân đổ xô làm mô hình, khiến cung cao hơn cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định.

Đến năm 2020, ông Minh đốn hạ vườn tre để chuyển đổi qua trồng cây ca cao và bưởi da xanh (8 ngàn m2 trồng ca cao và 5 ngàn m2 trồng bưởi da xanh). Hiện ca cao và bưởi da xanh trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu lớn cho gia đình ông. Không cho đất nghỉ, ông tận dụng khu đất còn lại trong vườn trồng một số loại cây ăn trái khác nhằm tăng thu nhập.

Hiện gia đình ông thu hoạch trung bình mỗi tháng khoảng 2 tấn trái ca cao, với giá bán ở mức ổn định trên dưới 18 ngàn đồng/kg thì thu lời khoảng 30 triệu đồng/tháng và khoảng 300-400 triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản chi phí. Vườn bưởi cũng đang trong giai đoạn cho thu hoạch trái rộ, đem lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể.

Hiệu quả từ nuôi ong lấy mật

Ngoài làm vườn, gia đình ông Minh còn đầu tư mô hình nuôi ong lấy mật với quy mô lớn từ nhiều năm nay. Chia sẻ về ý tưởng, ông Minh cho hay, trước đây, khi gia đình còn trồng cao su thì một số người dân từ các nơi đến xin đặt thùng trong vườn để nuôi ong lấy mật. Qua tìm hiểu, ông thấy mô hình cũng dễ làm, phù hợp điều kiện kinh tế gia đình, hơn nữa thị trường tiêu thụ mật ong rất lớn. Từ đó, ông quyết định đầu tư làm mô hình nuôi ong lấy mật vào năm 2001.

Ông Nguyễn Thanh Minh đã chọn hướng đi bền vững cho nghề nuôi ong lấy mật và sản phẩm làm ra luôn đảm bảo an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Năm 2024, sản phẩm “Mật ong hoa cà phê” của ông được UBND huyện Trảng Bom (cũ) cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).

Ông Minh đã chọn phương châm “chậm mà chắc” với đầu tư ban đầu chỉ 5 thùng để nuôi thử. Khi thấy mô hình đem lại hiệu quả, ông tăng số lượng đàn ong lên 50 thùng, 100 thùng... Đến nay, ông duy trì đều đặn nuôi 300 thùng và thu về sản lượng trung bình trên dưới 10 tấn mật ong/năm. “Hiện đầu ra sản phẩm ổn định vì được một doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua mật ong với số lượng lớn. Giá mật ong chỉ cần đạt mức 25 ngàn đồng/kg là người nuôi đã có lời” - ông Minh cho hay.

Chủ tịch Hội CCB xã An Viễn Định Văn Đồng nhận xét, ông Nguyễn Thanh Minh là một trong những hội viên CCB gương mẫu, tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động phong trào của hội và địa phương. Ông là tấm gương điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi và đang rất thành công với 3 mô hình: trồng ca cao, bưởi da xanh và nuôi ong lấy mật. Những cách làm hay, hiệu quả của ông Minh đã được Hội CCB giới thiệu rộng rãi đến các hội viên tới tham quan, học tập kinh nghiệm nhằm đầu tư làm ăn có hiệu quả để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

An Nhơn - Trần Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/cuu-chien-binh-guong-mau-nhay-ben-lam-kinh-te-6442e1d/