Cựu chiến binh TTXVN trở lại 'đất thép' để nhớ một thời máu lửa
Ngày 25/7, tại địa chỉ đỏ 65 đường Đỗ Đăng Tuyển (xã An Nhơn Tây, TP Hồ Chí Minh), Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam và Công ty TNHH MTV ITAXA đã tổ chức chương trình 'về nguồn' tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.

Các cựu chiến binh TTXVN và đại biểu tham quan Khu di tích lịch sử Củ Chi trong chương trình về nguồn ngày 25/7.
Hoạt động mang nhiều ý nghĩa sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ TTXVN lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống TTXVN (15/9/1945 – 15/9/2025).

Trước khi tham quan Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, các đại biểu đã cùng dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm Bến Dược.

Ông Trần Tràng Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TTXVN, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin TTXVN Khu vực phía Nam thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Ngay từ sáng sớm, đoàn cán bộ, cựu chiến binh và các phóng viên thuộc Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam, cùng đại diện ITAXA đã có mặt đông đủ tại Đền Bến Dược, tiến hành lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tại khu di tích Địa đạo Củ Chi, đoàn được nghe giới thiệu lại quá trình chiến đấu kiên cường, sáng tạo của quân dân Củ Chi - “Đất thép thành đồng”, nơi từng là chiến trường ác liệt, đồng thời cũng là nơi từng đặt nhiều căn cứ hoạt động quan trọng của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP).

Các đại biểu và cựu chiến binh TTXVN tìm hiểu về các anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm Bến Dược.
Tại buổi tọa đàm “TTXVN - 80 năm hành trình tự hào và tương lai phát triển”, ông Trần Tràng Dương, Chủ tịch Hội cựu chiến binh TTXVN, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin TTXVN Khu vực phía Nam cho biết: “TTXVN ra đời ngày 15/9/1945 với danh xưng Việt Nam Thông tấn xã, do Bác Hồ đặt tên. Trong suốt 80 năm phát triển, Thông tấn xã luôn giữ vai trò là trung tâm thông tin chiến lược, đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, hôm nay chúng ta cùng ôn lại và tri ân những cống hiến to lớn, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ ‘nhà báo - chiến sĩ’ khu vực phía Nam”.

Các cựu chiến binh, đại biểu, khách mời đã tham quan và trải nghiệm chui xuống hầm địa đạo Củ Chi.

Sau khi rời Khu du tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, các đại biểu cùng đến địa chỉ đỏ - 65 đường Đỗ Đăng Tuyển (xã An Nhơn Tây) để cùng dự buổi tọa đàm "TTXVN – 80 năm hành trình tự hào và tương lai phát triển”.
Tại tọa đàm, các khách mời đã được lắng nghe những chia sẻ đầy xúc động của các cựu cán bộ từng công tác tại TTXGP - cơ quan thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, thành lập ngày 12/10/1960 tại rừng Chàng Riệc (Tây Ninh) về những năm tháng đầy tự hào trong thời chiến.

Ông Đoàn Văn Thiều (Tư Thiều) nhớ về hoạt động của TTXGP trong thời chiến tại buổi tọa đàm.
Ông Đoàn Văn Thiều (Tư Thiều), nguyên Phó Chánh Văn phòng TTXGP kể lại: “Trong nhiều năm hoạt động, TTXGP đã liên tục thay đổi căn cứ nhiều lần để tránh càn quét. Có lúc, anh em phải tạm lánh sang đất Campuchia để giữ mạng lưới thông tin sống còn. Tuy gian khổ, nguy hiểm nhưng tinh thần của anh em chưa bao giờ nao núng. Với khẩu hiệu ‘Làn sóng điện không bao giờ tắt’, các phóng viên, kỹ thuật viên luôn bám sát mặt trận để truyền đi những dòng tin nóng hổi, những bức ảnh còn nhuốm mùi thuốc súng về Tổng xã”.

Ông Phạm Nhật Nam, phóng viên khóa GP10 của TTXVN, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam.
Tương tự, ông Phạm Nhật Nam, phóng viên khóa GP10 của TTXVN, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam cũng hồi tưởng hành trình chi viện chiến trường. Ông Phạm Nhật Nam cho biết: “Tháng 3/1973, gần 150 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên trẻ, phần lớn là sinh viên ngoài đôi mươi, đã lên đường từ miền Bắc vào Nam. Sau thời gian huấn luyện kỹ năng sinh tồn và nghiệp vụ, chúng tôi vượt Trường Sơn giữa khắc nghiệt thời tiết, thiếu thốn lương thực và nguy cơ địch phục kích. Có người ngã xuống dọc đường, nhưng tinh thần ‘nhà báo - chiến sĩ’ đã thôi thúc chúng tôi phải đến mặt trận, để đưa tin về những trận đánh ác liệt, để nói với thế giới rằng dân tộc Việt Nam đang chiến đấu vì chính nghĩa”.

Ông Trần Chí Hùng, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam giao lưu tại buổi tọa đàm.
Một điểm nhấn đặc biệt tại buổi tọa đàm là phần giao lưu với nhà báo kỳ cựu Trần Chí Hùng, nguyên Phó Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam. Với hơn 40 năm nghề báo, gần 30 năm ông tác nghiệp tại Campuchia, nơi từng là vùng chiến sự khốc liệt, ông Trần Chí Hùng cho biết: “Dù ở nơi hiểm nguy vì thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh, tinh thần ‘nhà báo – chiến sĩ’ luôn thôi thúc phóng viên Thông tấn tiến về phía trước. Đó là lý do vì sao cho đến nay, TTXVN vẫn duy trì mạng lưới cơ quan thường trú tại 63 tỉnh, thành (cũ) và 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, phủ khắp 5 châu lục. Mỗi bản tin phát đi là một minh chứng cho sự dấn thân và bản lĩnh nghề nghiệp”.


Ông Trần Tràng Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TTXVN đã trao tặng kỉ niệm chương cho các hội viên thuộc chi hội CCB TTXVN.
Bên cạnh các hoạt động tọa đàm và giao lưu, chương trình cũng tổ chức lễ trao tặng Kỷ niệm chương của Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho các hội viên thuộc chi hội Cựu chiến binh (CCB) TTXVN phía Nam, ghi nhận những đóng góp vào phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị ngành thông tấn. Đại diện lãnh đạo TTXVN, Công ty TNHH MTV ITAXA cũng đã trao tặng quà lưu niệm, thăm hỏi và tri ân những cựu cán bộ, phóng viên từng gắn bó với TTXGP - những người đặt nền móng cho truyền thống vẻ vang của ngành thông tấn trong thời chiến.

Đại diện Công ty TNHH MTV ITAXA tặng quà cho các cô chú hưu trí của Thông tấn xã Giải phóng tham gia buổi tọa đàm.
Theo ông Trần Tràng Dương, hoạt động “về nguồn” tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi không chỉ là dịp để các thế hệ cán bộ TTXVN gặp lại, tri ân quá khứ mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống. Trong bối cảnh truyền thông hiện đại phát triển mạnh mẽ, những giá trị của “nhà báo - chiến sĩ” càng cần được trân trọng và lan tỏa, trở thành kim chỉ nam cho lớp người làm báo hôm nay và mai sau.

Các cựu chiến binh TTXVN, đại biểu cùng chụp ảnh kỉ niệm trong chương trình về nguồn.
“Chúng tôi tin rằng, trong hành trình 80 năm và chặng đường mới phía trước, TTXVN sẽ tiếp tục là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, giữ vững vai trò trung tâm thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, với thành công của Đại hội Đảng bộ TTXVN lần thứ XXVII nhiệm kỳ 2025-2030 đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho ngành và các đơn vị phía Nam.
"Phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, tập thể Trung tâm Thông tin TTXVN khu vực phía Nam và Công ty TNHH MTV ITAXA sẽ nỗ lực, phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội, xây dựng hai đơn vị vững mạnh để góp phần vào sự nghiệp phát triển TTXVN trở thành một tổ hợp truyền thông hiện đại và chủ lực đa phương tiện”, ông Trần Trần Dương chia sẻ thêm.