Cựu giám đốc Công ty Tân Tân khai gì về hành vi 'Trốn thuế'?

Gần 19h ngày 22/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Quốc Tân (cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Tân) về các tội 'Trốn thuế', 'Không chấp hành án' kết thúc phần tranh luận. TAND khu vực 16 - TP.HCM nhận định do vụ án phức tạp nên nghị án kéo dài, dự kiến sẽ tuyên án vào chiều 29/7.

Trong phần nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án, hai bị cáo Trần Quốc Tân và Châu Ngọc Phụng (vợ bị cáo Tân) bày tỏ nguyện vọng mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét toàn diện, khách quan các tình tiết trong vụ án, các bị cáo không thực hiện hành vi như cáo trạng quy kết.

Các bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.

Các bị cáo nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án.

Theo cáo trạng của VKSND TP. Dĩ An (cũ), tháng 7/2011, ông Tân chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ TP.HCM) 3.666.666 cổ phần của cá nhân trong Công ty Cổ phần Tân Tân với giá 36,6 tỉ đồng. Công ty đã cấp giấy chứng nhận sở hữu 45,83% cổ phần cho bà Thanh.

Do ông Tân không thực hiện yêu cầu của bà Thanh về việc triệu tập Đại hội cổ đông bất thường để bầu lại HĐQT nên cuối năm 2015, bà Thanh khởi kiện. Ngày 27/9/2018, TAND tỉnh Bình Dương (cũ) ra bản án tuyên buộc công ty này phải triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông để bầu lại thành viên HĐQT theo đúng quy định pháp luật… Tuy nhiên, các thành viên HĐQT vẫn không chấp hành. Theo VKS, các bị cáo cố ý không thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật dù có điều kiện thực hiện, phạm vào tội “Không chấp hành án”.

Ngoài ra, Công an TP. Dĩ An (cũ) phát hiện từ tháng 7/2015 đến tháng 11/2022, ông Tân cho thuê nhà, xưởng và kho thuộc công ty, thu khoảng 8,6 tỉ đồng, trốn thuế gần 1,4 tỉ đồng…

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Trong phần xét hỏi về hành vi trốn thuế, bị cáo Tân xác định có cho Công ty TNHH MTV Thương mại - Sản xuất - Trồng trọt Tân Tân thuê kho xưởng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai doanh thu của doanh nghiệp. Bị cáo lý giải thời điểm đó không thực hiện đóng thuế là do công ty kinh doanh thua lỗ, dẫn đến nợ đọng thuế.
Công ty đã bị cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng nên không thể xuất hóa đơn. Sau đó, công ty có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn bán lẻ nhưng do phần trăm nộp thuế quá cao nên công ty không thực hiện.

Bị cáo Tân khai Công ty Cổ phần Tân Tân chỉ là công ty gia đình, có 3 cổ đông là vợ chồng em trai ông. Vì là Công ty gia đình nên các hoạt động do ông điều hành, vợ và em trai chỉ nhờ để đứng tên sở hữu cổ phần để đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Hằng năm không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên và không tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Bị cáo Tân cho rằng không có điều kiện thi hành án vì thời điểm sau 2019 bị cáo không còn điều hành công ty, không làm Giám đốc nên không thể triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông.

Bị cáo khai bản thân không nhớ về việc có nhận được hoặc biết được các quyết định cưỡng chế thi hành án, quyết định xử phạt hành chính liên quan đến thi hành bản án dân sự.

Bị cáo Châu Ngọc Phụng khai do đã ủy quyền cho người khác thi hành án nên không nghĩ là bản án chưa thi hành. Sau khi bị Cục thi hành án cưỡng chế bán đấu giá cổ phần thì bản thân chỉ còn 0,23% cổ phần của công ty nên không thể triệu tập Đại hội đồng cổ đông. Do vậy, bà Phụng đề nghị HĐXX xem xét lại cáo buộc về hành vi không chấp hành án.

Bị cáo Trần Quốc Tuấn khai đã nhận thức được trách nhiệm thi hành bản án của mình nên xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trong phần luận tội, đại diện VKSND khu vực 16 - TP.HCM nêu quan điểm: Cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Tân từ 1 năm đến 1 năm 3 tháng tù về tội “Không chấp hành án”; 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Trốn thuế”. Tổng hợp hình phạt là từ 4 năm đến 4 năm 9 tháng tù.

Bị cáo Trần Quốc Tuấn (em trai ông Tân) bị đề nghị từ 6 đến 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Châu Ngọc Phụng từ 9 đến 12 tháng tù về tội “Không chấp hành án”.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Bào chữa cho bị cáo Tân, luật sư Trần Quang Vinh nêu quan điểm: Các tài liệu, lời khai thể hiện bị cáo luôn có thiện chí chấp hành án, không phải trốn tránh, cố ý không chấp hành án. Luật sư nêu các yếu tố khách quan dẫn đến việc ông Tân không thể thực hiện được việc thi hành án.

Về tội “Trốn thuế”, luật sư Vinh cho rằng hành vi của bị cáo Tân có thể chỉ cần giải quyết theo hướng kiến nghị, xử lý về hành vi khai sai và xử lý hành chính theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn.

Cùng với nhiều luận cứ khác, luật sư Vinh đề nghị HĐXX xem xét trả hồ sơ cho VKS để điều tra lại nhằm xem xét toàn diện, thấu lý đạt tình, làm sáng tỏ bản chất vụ án.

An Dương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cuu-giam-doc-cong-ty-tan-tan-khai-gi-ve-hanh-vi-tron-thue-486588.html