Cựu Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trực tiếp gỡ 26 bài viết
Bị cáo Đồng Xuân Thụ khai: 'Những bài viết do bị cáo gỡ bỏ là do có mối quan hệ; phóng viên báo cáo đơn vị đã khắc phục hậu quả, hoặc có đơn của đơn vị xin giúp đỡ, xem xét gỡ bài'.
Sáng 24/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Hưng Yên tiếp tục xét hỏi bị cáo Đồng Xuân Thụ (cựu Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam) cùng 43 bị cáo khác là cựu lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, nhân viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Theo Hội đồng xét xử, quá trình kiểm tra hệ thống CMS của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, bị cáo Đồng Xuân Thụ đã trực tiếp gỡ bỏ 26 bài viết đã đăng trên tạp chí này.
Trả lời Hội đồng xét xử về việc “Luật báo chí quy định như thế nào về việc gỡ bài viết”, bị cáo Đồng Xuân Thụ khai, chỉ khi nào bài viết có sai sót, hoặc khi các đơn vị có sự khiếu nại, khiếu kiện thì mới xem xét có gỡ bài hay không.

Phiên tòa xét xử bị cáo Đồng Xuân Thụ và đồng phạm.
Hội đồng xét xử truy vấn: “Quá trình kiểm tra hệ thống CMS của tạp chí, với tư cách là Tổng Biên tập, bị cáo đã trực tiếp gỡ 26 bài viết. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Ánh Hồng là Phó Tổng biên tập đã gỡ 15 bài viết nhưng không kèm nội dung khiếu nại, tố cáo, đính chính. Bị cáo giải thích như thế nào?”.
Bị cáo Đồng Xuân Thụ khai: “Những bài viết do bị cáo gỡ bỏ là do có mối quan hệ; phóng viên báo cáo đơn vị đã khắc phục hậu quả, hoặc có đơn của đơn vị xin giúp đỡ, xem xét gỡ bài”.
Hội đồng xét xử hỏi tiếp bị cáo Đồng Xuân Thụ: “Quy định nào của pháp luật cho phép bị cáo chia phần trăm tiền cho Ban biên tập và các ban, văn phòng đại diện?”. Bị cáo Đồng Xuân Thụ thừa nhận, không có căn cứ pháp luật nào mà chỉ căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế của tạp chí thì Ban Biên tập tự cân đối.
Trả lời câu hỏi về hoạt động của chương trình “Cây chổi vàng” do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam chủ trì, bị cáo Đồng Xuân Thụ cho biết, gần 5 năm qua, ngoài sử dụng nguồn thu từ hợp đồng quảng cáo, truyền thông, hoạt động tổ chức từ thiện và các doanh thu khác để trả lương, bảo hiểm cho cán bộ, công nhân viên của tạp chí, thì tạp chí cũng chi tiền tổ chức chương trình “Cây chổi vàng” xây dựng gần 60 căn nhà tình nghĩa cho công nhân môi trường có hoàn cảnh khó khăn...

Bị cáo Đồng Xuân Thụ (áo kẻ) và bị cáo Nguyễn Thị Ánh Hồng.
“Khi sự việc xảy ra, bị cáo thấy cần xem xét lại chương trình “Cây chổi vàng” và cả vị trí Tổng Biên tập do bị cáo đang đảm nhận”, bị cáo Thụ khai.
Trước tòa, bị cáo Đồng Xuân Thụ xin được chịu trách nhiệm nộp thay số tiền khắc phục hậu quả cho hai bị cáo là Cao Thị Thu Hường (cựu Kế toán tạp chí) và Nguyễn Thị Ánh Hồng (cựu Phó Tổng biên tập). Cáo trạng xác định, bị cáo Đồng Xuân Thụ đã nộp khắc phục hậu quả 1,3 tỷ đồng.
Trong buổi sáng 24/7, Hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi các bị cáo khác là cựu lãnh đạo, phóng viên, cán bộ, nhân viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam. Trước bục khai báo, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã nêu.
Viện KSND tỉnh Thái Bình (cũ), nay là Viện KSND tỉnh Hưng Yên đã truy tố các bị cáo Đồng Xuân Thụ (cựu Tổng Biên tập), Nguyễn Thị Ánh Hồng (cựu Phó Tổng Biên tập), Cao Thị Thu Hường (cựu Kế toán), Bùi Văn Toàn (cựu Trưởng ban Kinh tế), Nguyễn Thanh Tâm (cựu Trưởng Văn phòng đại diện Tây Nguyên, đã nghỉ việc từ ngày 1/6/2023), Đặng Văn Phục (cựu phóng viên), Vũ Đức Lân (cựu phóng viên), Nguyễn Giác (cựu phóng viên) về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự.
8 bị cáo là cựu phóng viên, cán bộ, nhân viên của Tạp chí Môi trường và Đô Thị Việt Nam bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự.
28 bị cáo khác cũng là cựu phóng viên, cán bộ, nhân viên của Tạp chí Môi trường và Đô Thị Việt Nam bị truy tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự.