Đà Lạt loay hoay với bài toán rác thải

Từng là địa phương vinh dự nhận Giải thưởng 'Thành phố bền vững về môi trường' của ASEAN vì chất lượng cũng như những nỗ lực bảo vệ môi trường (BVMT) sinh thái, tuy nhiên, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện đang loay hoay với bài toán rác thải.

Nơm nớp nỗi lo vì rác

Khoảng hai tháng qua, kể từ vụ “lũ rác” xảy ra tại bãi rác Cam Ly, TP Đà Lạt, công tác khắc phục hậu quả vẫn chưa xong. Anh Nguyễn Hữu Vũ, ngụ tại phường 5, TP Đà Lạt kể: “Ngày 8 và 9-8, sau nhiều trận mưa lớn, hàng trăm nghìn tấn rác thải trên bãi rác Cam Ly tràn xuống chân núi. Gia đình tôi có 1.800m2 nhà kính trồng hoa cúc sắp thu hoạch bị vùi lấp, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Tổng cộng có 13 hộ ở đây có vườn tược, hoa màu bị vùi lấp. Từ ngày xảy ra sự cố đến nay, trời mưa liên tục, nước thải từ bãi rác vẫn chảy xuống bốc mùi hôi thối nồng nặc, chúng tôi vẫn chưa thể sản xuất trở lại”.

Vụ sạt lở tại bãi rác Cam Ly là sự cố môi trường nghiêm trọng tại Đà Lạt. Đây cũng là thảm họa đã được báo trước bởi bãi rác này có từ năm 1976, trải qua hàng chục năm hoạt động trở nên quá tải và gây ô nhiễm trầm trọng. Theo kết quả quan trắc của Cục BVMT (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hầu hết mẫu nước ngầm, nước thải, không khí xung quanh bãi rác đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Do nằm ở đầu nguồn sông Đạ Dâng, một nhánh thượng lưu của sông Đồng Nai nên bãi rác Cam Ly còn đe dọa tới hệ sinh thái sông Đồng Nai. Tại Đề án "BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bãi rác Cam Ly là một địa chỉ gây ô nhiễm cần phải xử lý. Năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định đóng cửa bãi rác này và chuyển toàn bộ rác thải của TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương về xử lý tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt đặt tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt.

 Hiện trường sạt lở tại bãi rác Cam Ly, TP Đà Lạt, tháng 8-2019.

Hiện trường sạt lở tại bãi rác Cam Ly, TP Đà Lạt, tháng 8-2019.

Nhà máy xử lý rác thải gây ô nhiễm

Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt do Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh làm chủ đầu tư với tổng số vốn 381 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 6-2015. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhà máy này đã bộc lộ hàng loạt bất cập do sử dụng công nghệ lạc hậu, công suất thấp, chủ đầu tư vi phạm các quy định về BVMT. Trong khi khối lượng rác thải của TP Đà Lạt và vùng phụ cận không ngừng tăng (hiện khoảng 220-240 tấn/ngày), nhưng nhà máy chỉ có một dây chuyền xử lý rác với công suất khoảng 80 tấn/ngày đêm, lại thường xuyên bị trục trặc, hư hỏng. “Công nghệ rất lạc hậu, quá trình phân loại rác tại nhà máy khá thủ công. Để triệt tiêu được toàn bộ rác thải thì nhiệt độ lò đốt rác cần phải đạt khoảng 3.000⁰C, nhưng nhiệt độ lò đốt rác của nhà máy chỉ đạt khoảng 900⁰C”, ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Tháng 3-2018, các trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt quả tang nhà máy chôn lấp một lượng lớn chất thải rắn chưa qua xử lý. Tiến hành khai quật trên khu đất rộng khoảng 10.000m2 trong khuôn viên nhà máy, cơ quan chức năng phát hiện hơn 30.000 tấn rác thải chưa qua xử lý bị chôn lấp dưới độ sâu hơn 40cm. Kiểm tra 3 lò đốt trong nhà máy chỉ có một lò hoạt động, hai lò còn lại trong tình trạng "đắp chiếu". Rác thải chưa qua xử lý để lộ thiên không có vật che chắn bốc mùi hôi thối; hệ thống nước rỉ từ bãi rác không được thu gom, xử lý, để thẩm thấu vào lòng đất, bể chứa nước thải chưa hoạt động... Các hộ dân sống xung quanh nhà máy cũng nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới cơ quan chức năng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra.

Do nhà máy xử lý chất thải rắn không đáp ứng được nhu cầu xử lý rác nên từ năm 2017, một phần lớn rác thải lại được chở về chôn lấp thủ công ở bãi rác Cam Ly. "Sau khi có quyết định đóng cửa bãi rác Cam Ly (năm 2015), đơn vị chúng tôi đã tiến hành san ủi, cải tạo 70% diện tích bãi rác để làm vườn ươm các loại hoa, cây cảnh. Sau khi mở cửa trở lại, diện tích dành để chôn lấp rác còn rất ít. Rác nhiều, diện tích để chôn lấp ít, lại ở trên cao nên khi mưa to gây ra tình trạng sạt lở, trôi xuống phía dưới, gây ô nhiễm”, ông Bùi Trung Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt, đơn vị đảm nhiệm xử lý rác thải Đà Lạt và quản lý bãi rác Cam Ly thừa nhận.

Việc mở cửa trở lại bãi rác Cam Ly là việc làm “cực chẳng đã”, khi mà nhà máy xử lý rác thải bị “vỡ trận”. Điều này cũng cho thấy vòng luẩn quẩn, bế tắc trong xử lý rác thải của chính quyền địa phương hiện nay. Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt tăng cường hệ thống dây chuyền, nâng cấp công nghệ xử lý và chấp hành nghiêm các quy định về BVMT. “Chúng tôi cũng đã tính tới phương án kêu gọi những nhà đầu tư mới nhưng sẽ rất khó khăn, bởi hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những sai phạm, cũng như chưa khuyến khích được nhà đầu tư vào lĩnh vực rác thải”, ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng nêu ra những khó khăn trong quá trình tỉnh cố gắng có thể giải quyết được "vấn nạn" rác thải, nhằm bảo vệ môi trường ở địa bàn du lịch nổi tiếng này.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/da-lat-loay-hoay-voi-bai-toan-rac-thai-592958