Đà Nẵng cần ưu tiên đầu tư phát triển văn hóa, văn nghệ

Chiều nay (17/6), Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Thường trực Thành ủy Đà Nẵng về kiểm tra, khảo sát, triển khai nghị quyết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng.

Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, thành phố Đà Nẵng cần nhân rộng các mô hình văn hóa, những tấm gương tiêu biểu.

Từ năm 2016- 2020, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư 250 tỷ đồng trùng tu 35 di tích đã xếp hạng. Thành phố đang triển khai một số dự án quan trọng để đầu tư và tạo điểm nhấn phát triển thành phố như: dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2), dự án Bảo tồn và phát huy giá trị khảo cổ học Chăm Phong Lệ; phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan…

Thành phố Đà Nẵng cũng có nhiều mô hình hay, sáng tạo như thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, mô hình “Tổ dân phố không có hộ gia đình đốt vàng mã, rải gạo muối, vật cúng ra vỉa hè, lòng đường”, “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, mô hình “Tiếng kẻng an ninh”...

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Đà Nẵng chưa khai thác, phát huy hết các tiềm năng, giá trị của văn hóa. Nguồn lực đầu tư cho văn hóa thời gian qua có tăng nhưng chưa đồng bộ. Các dự án còn kéo dài, kinh phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp ngành văn hóa thể thao còn khó khăn. Thành phố còn thiếu các công viên, quảng trường văn hóa có quy mô xứng tầm phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa còn thiếu, nhất là ở cơ sở.

Tại buổi làm việc, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, thời gian qua thành phố Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Thành phố cần nhân rộng các mô hình văn hóa, những tấm gương tiêu biểu, đồng thời, tăng cường công tác dự báo xã hội, chủ động giải quyết những yếu tố bất lợi phát sinh trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Ông Trần Thanh Lâm cho rằng, Đà Nẵng cần áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đà Nẵng văn minh, hiện đại.

Ông Trần Thanh Lâm nhấn mạnh: “Đà Nẵng là trung tâm văn hóa khu vực, có những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của vùng miền và của cả nước, có những mô hình hay và cách làm hiệu quả. Ở góc độ Ban Tuyên giáo Trung ương, chúng tôi sẽ cùng với thành phố Đà Nẵng tháo gỡ khó khăn. Những gì ngoài khả năng của Ban, chúng tôi sẽ tập hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến để tiếp tục có chỉ đạo trong thời gian tới. Làm sao để công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng đến được với quần chúng nhân dân, với đảng viên và thực sự đi sâu vào trong đời sống xã hội./.”

Phương Cúc/VOV - Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/da-nang-can-uu-tien-dau-tu-phat-trien-van-hoa-van-nghe-post951100.vov