Đà tăng giá của đô la đứt đoạn

Đồng đô la Mỹ đang hướng đến tháng giảm giá đầu tiên trong năm nay sau khi Mỹ ghi nhận lạm phát hạ nhiệt, mở ra cơ hội rõ ràng hơn cho khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất trong năm 2024.

Giá đô la Mỹ so với một rổ ngoại tệ mạnh đang giảm 1,4% trong tháng này. Ảnh: Getty

Giá đô la Mỹ so với một rổ ngoại tệ mạnh đang giảm 1,4% trong tháng này. Ảnh: Getty

Cơn tăng giá của đô la trong năm nay đang đảo chiều khi nhà đầu tư đặt cược rằng, lạm phát dịu lại ở nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giúp Fed có có thêm dư địa để cắt giảm lãi suất.

Đồng bạc xanh, vốn đã tăng tới 5% trong năm nay so với một rổ tiền tệ mạnh, đang hướng đến tháng giảm giá đầu tiên trong năm 2024 sau khi Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi trong tháng 4 tăng 3,6% hàng năm, chậm nhất kể từ tháng 4-2021.

Sau nhiều tháng tăng cao hơn dự báo, lạm phát của Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, giúp xoa dịu lo ngại rằng, Fed có thể không thể cắt giảm lãi suất nhiều trong năm nay, hoặc thậm chí có thể phải tăng lãi suất trở lại từ mức cao nhất trong 23 năm để kiểm soát tốc độ tăng giá.

“Với dữ liệu lạm phát mới nhất cho thấy giá cả dịu lại, khả năng Fed tiến hành một đợt tăng lãi suất bị loại bỏ . Hiện tại, việc Fed giảm lãi suất chỉ còn là vấn đề thời gian”, Athanasios Vamvakidis, người đứng đầu chiến lược ngoại của ngân hàng Bank of America (BofA) nói.

Các nhà đầu tư đã phải tính toán lại lộ trình lãi suất của Fed trong năm nay khi lạm phát của Mỹ tăng cao trong cả tháng 2 và tháng 3. Họ đã giảm đặt cược đáng kể đối với triển vọng giảm lãi suất của Fed trong khi các quỹ phòng hộ chấm dứt các vị thế bán khống đồng đô la khi giá đồng tiền này tiếp tục mạnh lên.

Tuy nhiên, sau khi dữ liệu CPI tháng 4 của Mỹ, công bố hôm 15-5, cho thấy tốc độ tăng giá cả chậm lại đáng kể, nhà đầu tư tăng đặt cược vào việc Fed sẽ thực hiện 2 đợt cắt giảm lãi suất tổng cộng 50 cơ bản (0,5 điểm phần trăm) trong những tháng cuối năm.

Đồng đô la đã trải qua ngày giảm giá mạnh nhất trong năm vào hôm 15-5. Mặc dù giá đồng bạc xanh phục hồi một phần vào cuối tuần nhưng vẫn đang giảm 1,4% trong tháng này.

Các nhà phân tích cho rằng, các dữ liệu kinh tế yếu đi gần đây của Mỹ, bao gồm dữ liệu việc làm trong tháng 4 thấp hơn kỳ vọng, có thể là sự khởi đầu cho một thời kỳ đồng đô la suy yếu kéo dài. Tuy nhiên, lưu ý được đưa ra là nền kinh tế Mỹ vẫn còn tương đối mạnh mẽ nên bất kỳ sự giảm giảm nào của đô la có thể mất thời gian.

“Tôi nghĩ chúng ta đang ở một bước ngoặt. Đồng đô la đang thiếu các động lực để ủng hộ đợt tăng giá tiếp theo”, Kit Juckes, nhà chiến lược ngoại hối của ngân hàng Socíeté Générale nói.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm, chỉ số quan trọng đối với các thị trường tài chính trên toàn cầu , giảm xuống 4,3%, sau khi đạt mức 4,7% vào cuối tháng trước khi nhà đầu tư tư tăng đặt cược khả năng Fed giảm lãi suất nhiều hơn một đợt trong năm nay.

Theo Sam Hewson, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ngoại hối tại Citigroup, sự suy yếu của đồng đô la trong tháng 4 xảy ra sau sự các quỹ phòng hộ bắt đầu gia tăng bán khống đồng tiền vào vào tháng trước. Dù vậy, các nhà quản lý tài sản vẫn nắm giữ đô la. Khi vị thế của những nhà quản lý tài sản này khác với các quỹ phòng hộ, các mô hình lịch sử cho thấy, tốt nhất là nên bán khống đồng đô la.

Những diễn biến thị trường gần đây là tin tốt đối với các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, vốn đang vật lộn để đối phó với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ ngày càng tăng và sức mạnh bền bỉ của đồng đô la. Điều đó đặc biệt đúng với trường hợp của Nhật Bản, nơi Bộ Tài chính được cho là đã bán khoảng 59 tỉ đô la Mỹ trong những tuần gần đây để hỗ trợ đồng tiền yen đang suy yếu.

“Đồng đô la yếu hơn giúp giảm bớt áp lực đối với nhà quản lý tiền tệ của Nhật Bản”, Chris Turner, nhà chiến lược tiền tệ của ngân hàng ING nói và cho rằng, đồng tiền Nhật Bản nhạy cảm hơn với những thay đổi trong kỳ vọng lãi suất của Mỹ hơn là chi phí vay tăng cao ở thị trường trong nước.

Khả năng Fed không tăng thêm lãi suất cũng có thể tạo cơ hội cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hành động với dự kiến bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu.

Chủ tịch ECB, Christine Lagarde đã nói rõ rằng châu Âu có thể bắt đầu giảm chi phí vay trước Fed. Tuy nhiên, nếu Fed tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay trong khi lãi suất giảm ở châu Âu, đồng euro có thẻ chịu áp lực giảm giá đáng kể và có nguy cơ gây ra lạm phát.

“Dữ liệu lạm phát mới nhất của Mỹ là tin tốt cho ECB. Điều đó có nghĩa là ECB có thể cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu mà không quá lo ngại đồng euro sẽ suy yếu”, Vamvakidis của BofA nói.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/da-tang-gia-cua-do-la-dut-doan/